Chiều 25-9, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Startup) - Lần II năm 2024 với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.
Thông tin với báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết: Mục tiêu lớn nhất của Diễn đàn là hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế hành động của hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL” trong tình hình mới.
Đồng thời, duy trì và phát triển Diễn đàn trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng ĐBSCL.
Thông qua các hoạt động của Diễn đàn sẽ kết nối nguồn lực và thị trường nhằm hỗ trợ phát triển những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ của Đồng Tháp và ĐBSCL, tôn vinh những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.
Theo ông Quang, Diễn đàn lần này được mở rộng, đổi mới hơn với nhiều hoạt động thiết thực từ tháng 9 đến tháng 11 như: Tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải; Cuộc thi “Sáng kiến Mekong 2024” nhằm thu hút cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp (trong và ngoài nước), các viện - trường và trung tâm nghiên cứu tham gia giải quyết những bài toán (thách thức) của vùng ĐBSCL...; Phiên toàn thể Diễn đàn dự kiến thu hút trên 350 đại biểu với sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chủ trì.
Trong khuôn khổ Diễn đàn còn có các chương trình như: Triển lãm, giới thiệu, biểu diễn các mô hình, sản phẩm, công nghệ giảm phát thải, chuyển đổi xanh, công nghệ số và các lĩnh vực đặc thù của ĐBSCL; Phiên đối thoại công - tư nhằm giúp Đồng Tháp và khu vực ĐBSCL thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiên phong giảm phát thải, định hướng kinh tế xanh - tuần hoàn, kinh tế số, công nghệ cao và bền vững…
Hiện thực hoá kế hoạch Tăng trưởng xanh , Đồng Tháp đã triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến. Đặc biệt, tỉnh đang chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường. Những mô hình đa canh khác nhau như lúa - tôm, lúa - cá, lúa - cá - vịt, mô hình lúa - sen, mô hình sinh thái Đồng sen gắn với du lịch... Kết quả, bình quân tổng lợi nhuận của các mô hình đạt 47,8 - 64,7 triệu đồng/ha/năm.
Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Kế hoạch Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, nhằm giúp khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, nhằm tạo giá trị gia tăng; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa các-bon.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp.
Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng tỉ lệ tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đạt 50%. Hằng năm mỗi địa phương xây dựng ít nhất 1 mô hình kinh tế tuần hoàn trên chuỗi ngành hàng chủ lực hoặc ngành hàng tiềm năng của địa phương.
Năm 2024, kinh tế tuần hoàn là một trong 4 nội dung của slogan về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.