Doping phía sau ánh hào quang

Trong số này có thể kể đến vận động viên đua xe đạp huyền thoại người Mỹ Lance Armstrong. Mới đây nhất là hoa khôi quần vợt người Nga Maria Sharapova. Bản chất và mức độ việc sử dụng doping của từng vận động viên có thể khác nhau nhưng hậu quả thì không khác nhau nhiều. Trong quãng thời gian dài của sự nghiệp, Lance Armstrong thường xuyên dính tới các cáo buộc sử dụng doping.

Thời gian 2010-2012, các công tố viên Mỹ bắt đầu điều tra các cáo buộc của Cơ quan Chống Doping Mỹ (USADA) rằng Lance Armstrong sử dụng doping trong thi đấu. Tháng 2-2012, cuộc điều tra kết thúc nhưng USADA không công khai Lance Armstrong có vi phạm hay không. Tháng 10-2012, UASDA tuyên bố Lance Armstrong là một trong số các trường hợp sử dụng doping tinh vi, chuyên nghiệp và thành công nhất trong làng thể thao khi đã che giấu được sự việc quá lâu.

Chỉ thừa nhận khi không còn lựa chọn

Áp lực từ các cáo buộc sử dụng doping và tuyên bố của USADA đã buộc Lance Armstrong phải từ chức chủ tịch Hiệp hội Lance Armstrong vào tháng 10-2012. Vài giờ sau đó, hàng loạt nhà tài trợ tuyên bố ngưng hợp tác với Lance Armstrong. Đến đầu tháng 11-2012, Armstrong bị buộc vào thế phải cắt toàn bộ quan hệ với Hiệp hội Lance Armstrong vì các lãnh đạo khác không đồng ý để Lance Armstrong tiếp tục có chân trong hiệp hội. Hiệp hội này đồng thời đổi tên thành Livestrong Foundation.

Ngày 14-12-2012, Lance Armstrong có cuộc gặp bí mật với Giám đốc điều hành USADA Travis Tygart, đề nghị USADA rút ngắn thời gian cấm thi đấu xuống còn một năm, đổi lại anh sẽ hợp tác điều tra. Travis Tygart khẳng định chuyện thừa nhận chỉ giúp Lance Armstrong giữ được hình ảnh chứ không thể có chuyện giảm, với những vi phạm của Armstrong thì anh xứng đáng bị cấm thi đấu ít nhất tới tám năm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey tháng 1-2013, Lance Armstrong thừa nhận đã sử dụng doping trong thi đấu. Lance Armstrong cho biết bắt đầu dùng doping và các chất kích thích khác từ giữa thập niên 1990 và chấm dứt việc này sau thời điểm 2005. Vì để cho hào quang thành công dẫn dắt đến nỗi anh mất cả lý trí. Anh nói nếu không có doping anh đã không thể vô địch ở cả bảy giải Tour de France, đồng thời cảnh báo việc kiểm soát vận động viên dùng doping không hề dễ dàng.

Bảy chức vô địch Tour de France và huy chương đồng Olympic năm 2000 của Armstrong bị tước lại. Công ty Bảo hiểm SCA Promotions kiện ra tòa đòi Lance Armstrong trả lại 12 triệu USD mà công ty đã trao cho anh trong bảy lần vô địch Tour de France. Hai trong số những người hâm mộ Lance Armstrong và những người mua sách của anh đã đệ đơn lên tòa án California kiện đòi anh phải trả lại tiền họ mua sách của anh. Dù danh tiếng bị mất nhưng Lance Armstrong may mắn không bị truy tố.

Làng thể thao thế giới vẫn đang sốc vì lời thú nhận sử dụng doping mới đây của hoa khôi quần vợt người Nga Maria Sharapova, 28 tuổi. Ngày 7-3, nữ vận động viên xinh đẹp từng năm lần đoạt giải Grand Slam họp báo thừa nhận cô không vượt qua được kiểm tra sử dụng chất cấm trong thi đấu tại giải Úc mở rộng. Kết quả cho thấy cô dương tính với chất cấm trong thi đấu thể thao meldonium.

Sự nghiệp của Maria Sharapova đã bị bóng tối doping làm mờ mịt. Ảnh: SKY SPORT

Huyền thoại đua xe đạp Lance Armstrong từng là niềm cảm hứng của đông đảo người hâm mộ trước khi anh thừa nhận sử dụng doping trong thi đấu. Ảnh: AP

Sharapova cho biết đã sử dụng thuốc meldonium 10 năm nay để khống chế nhịp tim bất thường, thiếu magie, hay bị cảm cúm và ngăn chặn tiểu đường. Thuốc meldonium dùng để điều trị bệnh tim mạch, tuy nhiên còn có tác dụng làm tăng lưu thông máu, tăng lượng ôxy vào cơ thể, giúp vận động viên hồi phục nhanh trong quá trình tập luyện, tăng sức chịu đựng của vận động viên khi hoạt động với cường độ cao. Meldonium chỉ mới bị Cơ quan Phòng, chống doping thế giới (WADA) đưa vào danh sách cấm dùng trong thi đấu thể thao từ tháng 1 năm nay. Trước Sharapova đã có nhiều vận động viên Thụy Điển, Ethiopia, Ukraine cũng được phát hiện dương tính với meldonium. Thuốc meldonium còn có tên khác là mildronate, được bán rộng rãi và ở các nhà thuốc Nga không cần kê đơn, giá tầm 3-10 USD một hộp 40 viên, cũng có thể mua dễ dàng trên mạng. Thuốc meldonium được bán tràn lan ở Nga nhưng không được bán tại Mỹ, nơi Sharapova sống kể từ khi cô được bảy tuổi. Hai ngày sau thông báo của Sharapova, bảy vận động viên Nga cũng được xác định dương tính với thuốc meldonium. Theo Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko cho biết sắp tới sẽ có thêm nhiều vận động viên Nga nữa được xác định dương tính với meldonium.

Thiếu trung thực ở cả phút cuối cùng

Tính tới thời điểm này, Sharapova là vận động viên nổi tiếng nhất bị phát hiện sử dụng chất cấm meldonium. Sharapova giải thích cô có nhận mail của WADA về danh sách chất cấm cập nhật nhưng lại không mở ra xem.

Trong khi đó WADA cho biết từ tháng 9-2015 WADA đã ra thông báo sẽ đưa thuốc meldonium vào danh sách cập nhật vào đầu năm 2016. Liên đoàn Vận động viên Nga (ARAF) cho biết thường xuyên nhắc nhở các vận động viên về danh sách chất cấm cập nhật.

Theo báo London Times thì Sharapova đã được nhắc nhở năm lần về danh sách này trong một tháng trước khi bị phát hiện sử dụng thuốc meldonium. Nhiều chuyên gia thể thao không tin vào cách giải thích này của Sharapova, không thể tin bản thân Sharapova và cả đội ngũ có thể khinh suất không để ý đến danh sách cập nhật chất cấm. Thậm chí báo New York Times còn ví von lời biện hộ của Sharapova có thể xem tương tự như câu “con chó ăn mất bài tập của tôi”.

Ông Dick Pound, cựu Chủ tịch WADA, cho biết ông không thể tin và cho rằng cô đáng bị cấm thi đấu. Sharapova tạm thời ngưng tham gia giải đấu từ ngày 12-3 để chờ phán quyết cuối cùng. Liên đoàn Tennis Thế giới chưa đưa ra án phạt, tuy nhiên theo quy định của WADA thì Sharapova sẽ bị cấm thi đấu 2-4 năm.

Án phạt chưa tới nhưng hậu quả thương mại từ việc Maria Sharapova dùng chất đến quá nhanh. Hãng sản xuất đồ thể thao Nike, một trong những nhà tài trợ lâu năm của Sharapova, ra tuyên bố ngưng hợp tác với nữ vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới “trong lúc cuộc điều tra đang diễn ra”. Hãng xe hơi Đức Porsche cũng cắt tài trợ. Tập đoàn sản xuất đồng hồ và quần áo thời trang Tag Heuer (Thụy Sĩ) thì ngưng đàm phán khôi phục hợp đồng.

Đầu tuần rồi, một tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết rằng đội vận động viên đua xe đạp do Lance Armstrong dẫn đầu không có nghĩa vụ phải trả lại toàn bộ khoản tiền tài trợ của Cơ quan Dịch vụ Bưu điện-Bưu chính của Mỹ (USPS). Phán quyết này cứu Lance Armstrong khỏi mất 100 triệu USD, theo báo USA Today. Lý lẽ của USPS là đội vận động viên đua xe đạp đã vi phạm hơp đồng vì sử dụng doping trong thi đấu. Ngoài vụ kiện của USPS, đội đua xe đạp do Lance Armstrong dẫn đầu vẫn đang đối mặt với nhiều vụ kiện khác của các cơ quan chính phủ Mỹ.

__________________________________

Sau khi Maria Sharapova thú nhận dùng doping, đối thủ hàng đầu Serena Williams đã có những lời động viên dành cho Sharapova “Cô ấy nhận trách nhiệm là điều tốt”. Nhân sự kiện này, truyền thông Mỹ nêu lại vấn đề thu nhập từ quảng cáo của hai người. Theo danh sách những nữ vận động viên quần vợt có thu nhập cao nhất của tạp chí Forbes, Sharapova đứng đầu với 6,7 triệu USD tiền thu được từ thi đấu và 29,7 triệu USD từ quảng cáo. Trong khi đó Williams ngược lại với 11,6 triệu USD từ thi đấu nhưng chỉ thu được 13 triệu USD từ quảng cáo.

Dù luôn bị xếp phía sau đối thủ da trắng Sharapova trong vấn đề quảng cáo nhưng Williams luôn ủng hộ Sharapova: “Nếu họ muốn một cô gái da trắng tóc vàng thì đó là lựa chọn của họ. Tôi không thể nói rằng tôi phải được trả cao hơn vì tôi thắng nhiều hơn. Tôi mừng cho cô ấy vì cô ấy cũng làm việc chăm chỉ. Tôi thấy đâu có vấn đề gì, có đủ quảng cáo cho mỗi người mà”. Tạp chí New York Times Magazine dẫn nhận định của Giám đốc điều hành Martin Morse của Tập đoàn MM, chuyên cố vấn tài chính cho các vận động viên và nghệ sĩ nổi tiếng, cho thấy vấn đề của sự khác biệt thu nhập từ quảng cáo giữa Sharapova và Williams là do màu da.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm