Dự án nâng cấp quốc lộ 19 phải thay đổi thiết kế vì... cái sân nhà?

(PLO)-UBND tỉnh Gia Lai đề nghị điều chỉnh thiết kế dự án nâng cấp quốc lộ 19 do vướng giải phóng mặt bằng một sân nhà. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PLO, ông Lê Tuấn Mạnh, Giám đốc Quản lý dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (còn gọi là dự án nâng cấp quốc lộ 19), xác nhận một đoạn của dự án phải thay đổi thiết kế so với ban đầu vì không giải phóng được mặt bằng.

Vị trí phải thay đổi thiết kế thuộc xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 2- Bộ GTVT đưa ra hai phương án thay thế để UBND tỉnh Gia Lai xem xét, quyết định giải phóng mặt bằng.

Vướng đất "nửa hợp pháp, nửa không hợp pháp"

Theo cơ quan chức năng, trường hợp bị vướng chưa giải phóng mặt bằng được là thửa đất của bà Phạm Thị Nhậm ở thôn 4, xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ. Khu đất này nằm ngay khúc cua, có 33 m mặt tiền quốc lộ 19, trong đó có căn nhà cấp bốn giáp đường.

Theo bà Đào Thị Hồng Quy (66 tuổi, con gái bà Nhậm), gia đình bà đã định cư ở đây từ năm 1981, đến năm 1994 thì xây nhà và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) năm 2000 với diện tích 518 m2. Hiện bà Quy và mẹ ruột vẫn ở, sinh hoạt trong căn nhà này.

Quốc lộ 19 vướng, thay đổi thiết kế vì một hộ dân
Đất, nhà bà Phạm Thị Nhậm nằm trong khu vực hành lang an toàn giao thông, không thể thu hồi nên không thể đền bù theo quy định. Ảnh: LK.

“Gia đình tôi thấy cán bộ đến đo đất, vị trí mở đường vào ngay giữa sân, gần giáp với căn nhà. Tuy nhiên, tôi không nghe họ nói đền bù gì cả nên gia đình nhất quyết không đồng ý cho thi công đường. Họ chỉ nói nhà tôi trong hành lang an toàn giao thông nên không đền bù”- bà Quy nói.

Cũng theo bà Quy, nếu giải tỏa thì buộc phải di dời nhà cửa đi nơi khác, phải mua đất làm nhà, nhưng không được đền bù thì gia đình bà biết đi đâu. Nhà nước làm đường thì gia đình nhất trí ủng hộ nhưng phải đền bù thỏa đáng.

Theo ông Nguyễn Phương Thành, Trưởng phòng TN&MT huyện Đăk Pơ, đất của gia đình bà Phạm Thị Nhậm không được đền bù do căn nhà nằm trong hành lang an toàn giao thông. Do vậy, diện tích đất nhà ở này không thể thu hồi, mà không thu hồi thì không có căn cứ để đền bù.

Ông Thành nói trường hợp này là "nửa hợp pháp, nửa không hợp pháp". Trước đây, do quản lý lỏng lẻo nên để người dân xây nhà trong hành lang an toàn giao thông. Dù vậy, lâu nay cơ quan chức năng chưa lập biên bản xử lý, xử phạt gì liên quan trường hợp này.

Qua đo đạc, dự kiến vị trí đường mở rộng vào giữa sân, gần giáp căn nhà bà Nhâm; vị trí bị ảnh hưởng trực tiếp một góc khoảng hơn 1,5 m2. Riêng diện tích đất nông nghiệp nằm trong phạm vi ảnh hưởng sẽ được đền bù, bồi thường.

“Nếu thi công theo thiết kế thì đường rất sát nhà bà Phạm Thị Nhậm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đi lại. Còn không đền bù thì buộc phải thay đổi thiết kế”- ông Thành nói.

Chính quyền đề nghị thay đổi thiết kế, chủ đầu tư nói giữ nguyên

Trực tiếp di kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, yêu cầu UBND huyện Đắk Pơ sớm phê duyệt phương án đền bù, để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đối với trường hợp vướng nhà đất bà Phạm Thị Nhâm chưa giải tỏa được, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Ban Quản lý dự án 2 phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh phương án thiết kế để ảnh hưởng ít nhất đến quyền lợi của người dân, nhằm tạo sự đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho dự án.

Quoc-lo-19-thay-doi-thiet-ke-vi-1-mot-ho-dan-ơ-gia-lai-khong-2.jpg
Theo thiết kế, ranh quốc lộ 19 đường đi vào ngay giữa sân nhà bà Phạm Thị Nhậm. Ảnh: LK.

Trao đổi với PLO, ông Lê Tuấn Mạnh, Giám đốc Quản lý dự án nâng cấp quốc lộ 19, cho biết Ban Quản lý dự án 2 đưa ra hai phương án điều chỉnh bán kính đường cong của quốc lộ 19 đoạn qua nhà đất bà Phạm Thị Nhâm. Cả hai phương án giảm thiểu giải phóng mặt bằng nhưng phát sinh chi phí khá lớn.

"Hai phương án đề xuất đều phải thực hiện điều chỉnh độ dốc siêu cao sẽ dẫn đến phải đào hạ nền các đoạn đã triển khai thi công thảm hoàn thành trước đó, gây thiệt hại lớn về kinh tế, có nguy cơ mất an toàn giao thông trong quá trình khai thác; đồng thời gây ảnh hưởng dư luận cũng như thời gian thực hiện là không đủ"- Ban Quản lý dự án 2 nêu.

Chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, chấp thuận giữ nguyên phương án như hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt ban đầu. Hiện tại phân đoạn trên đang tạm dừng thi công do những vướng mắc trên.

Thi công cầu nhưng "quên" làm đường

Hơn hai năm nay, nhiều gia đình ở gần hai bên cầu Vàng trên quốc lộ 19 đoạn qua xã Kdang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai rất khổ sở vì dự án nâng cấp quốc lộ 19 làm cầu nhưng "quên" làm đường để đi lại.

Hiện nay, việc đi lại hàng ngày của người dân vô cùng khó khăn do trước nhà có cầu án ngự. Mùa mưa nước bẩn, bùn đất chảy thẳng vào nhà.

Dân cạnh cầu, quốc lộ 19 khốn khổ vì không có đường đi
Căn nhà bà Vũ Thị Thu Trâm ở xã KDang, huyện Đăk Đoa bị cầu Vàng bít luôn đường đi lại. Ảnh: LK.

Theo nhiều người dân địa phương, muốn đi ra quốc lộ phải làm bậc thềm leo lên cầu. Máy cày không thể ra ngoài vì không có đường. Một số gia đình bán phê có nguy cơ bị đại lý trả lại vì không có đường vào chở.

Thi-conng-quoc-lo-19-dan-khong-co-duong-di-2.jpg
Người dân mòn mỏi chờ con đường. Ảnh: LK.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm