Dự án sân bay Long Thành: Tránh gia hạn rồi tiếp tục chậm trễ

(PLO)- Đại biểu đề nghị cần có sự cam kết rõ ràng từ Chính phủ về tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành, đánh giá lại nguyên nhân chậm trễ, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cần cam kết rõ ràng từ Chính phủ

Phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng tờ trình của Chính phủ nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nhưng chủ yếu là nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan.

sân bay long thành
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QH

Bà Nga đánh giá có những nguyên nhân chưa có tính thuyết phục cao, như do đại dịch Covid-19 trong khi dự án triển khai từ năm 2017, công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường phải là những công việc được triển khai đầu tiên.

Hay như nguyên nhân dự án có quy mô lớn, khối lượng công việc nhiều, phức tạp… là chưa thuyết phục.

“Đây không phải nguyên nhân dẫn đến chậm trễ. Bởi khi xây dựng dự án thì quy mô, khối lượng công việc là nội dung đã được rà soát rất kỹ về thời gian, phương án tiến hành” - bà Nga nói.

Do đó, đại biểu tỉnh Hải Dương đề nghị cần có đánh giá xác thực hơn về những nguyên nhân dẫn đến dự án chậm trễ so với tiến độ, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan. Từ đó có phương pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn rồi vẫn tiếp tục chậm trễ.

Đồng tình với đại biểu Nga, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nói tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn.

sân bay long thành
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: QH

Quyết tâm của tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, tức là trước năm 2021, trong khi COVID-19 diễn ra tại Đồng Nai là vào giữa năm 2021.

“Như vậy, đây không phải là lý do chính” - đại biểu Hoa nhấn mạnh và cho rằng còn có nhiều nguyên nhân, Chính phủ và tỉnh cần phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm.

Ngoài ra theo bà Hoa, yêu cầu việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021 là nội dung được quy định trong Nghị quyết 53/2017/QH14.

Tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này là từ hết năm 2021 cho đến hết năm 2024, tức là dự kiến sẽ chậm tới ba năm.

Từ đó, bà Hoa đặt vấn đề việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành năm 2025) của sân bay.

Nữ đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng cần phải có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ và đặt câu hỏi: "Liệu dự án có bị chậm, chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không?"

Giải ngân đào tạo nghề chậm vì người dân chưa có nhu cầu?

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đặt vấn đề một trong những nhiệm vụ quan trọng của dự án là đào tạo nghề, ổn định cuộc sống cho người dân.

Thế nhưng, đến nay đã quá thời hạn hoàn thành dự án gần hai năm, việc triển khai dự án đào tạo nghề vẫn chỉ dừng ở việc triển khai điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, tư vấn đào tạo nghề… nghĩa là chưa thực sự có kết quả giải quyết việc làm cho người dân.

“Sự chậm trễ này chắc chắn có tác động không tốt đến việc ổn định cuộc sống của người dân ở nơi có dự án” - bà Nga đánh giá và đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của việc thực hiện dự án.

Đề cập tới nội dung giải quyết đề án việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc diện di dời, giải tỏa, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho biết tỉnh đã ban hành Quyết định 2281 về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân trong vùng thuộc dự án.

Mục tiêu của đề án là đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ miễn phí học phí cũng như học tập giáo dục phổ thông, đại học với kinh phí dự kiến khoảng trên 300 tỉ đồng.

Db-Nhu-Y.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai). Ảnh: QH

Tuy nhiên, đến ngày 31-12-2022, nội dung chi đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa được giải ngân do giai đoạn 2019-2022, các hộ dân đã nhận quyết định thu hồi đất, nhận suất tái định cư để xây dựng nhà. Như vậy, bước đầu đã ổn định được cuộc sống nên chưa có nhu cầu đăng ký học nghề và giải quyết việc làm.

Cũng theo đại biểu, hầu như các hộ dân trong vùng dự án đều đang ở tuổi lao động và đang có việc làm, bởi vì các khu công nghiệp xung quanh dự án rất nhiều, Do vậy, khi giải tỏa, nhu cầu việc làm không phải là quá lớn.

"Do đó, việc thực hiện giải ngân trong đề án giải quyết việc làm đạt không nhiều do những nguyên nhân khách quan như thế"- đại biểu Như Ý nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm