Dự báo tăng trưởng GDP cả năm vượt mục tiêu Quốc hội đề ra

(PLO)- Cả hai kịch bản tăng trưởng mà CIEM đưa ra tại thời điểm này đều dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay khá tích cực, vậy nên không cần vội nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa, sẵn sàng dư địa ứng phó những cú sốc có thể xảy ra.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 9-7 đã cập nhật tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, đồng thời đưa ra các kịch bản kinh tế vĩ mô cho thời gian còn lại của năm bản lề 2024.

tăng trưởng GDP
CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024. Ảnh: Minh Trúc

Hai kịch bản tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, cả hai kịch bản đều cho thấy khả năng tăng trưởng nửa năm còn lại cũng như cả năm nay đều vượt mục tiêu đề ra.

Trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,55%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân CPI tăng 4,31%; cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỉ USD.

Kịch bản 2, tăng trưởng GDP có thể lên tới 6,95%; CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỉ USD.

Hai kịch bản được xây dựng trên giả thiết khác nhau về các yếu tố bên trong, bên ngoài.

Theo đó, nếu kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến như đánh giá của các tổ chức quốc tế còn Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách như đã đề ra trong nửa đầu năm 2024, thì nhiều khả năng kịch bản 1 sẽ diễn ra.

Còn nếu kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn; nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; chuỗi cung ứng phục hồi; đầu tư cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có chuyển biến tích cực. Trong nước mà cải cách mạnh mẽ, giải ngân tốt, môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện... thì như kịch bản 2 tăng trưởng sẽ cao hơn.

Điểm đáng ý là cả hai kịch bản đều "đặt cửa" vào xuất khẩu. Muốn tăng trưởng GDP cả năm cao thì xuất khẩu phải tăng 11,64% so với năm 2023. Còn thấp hơn thì xuất khẩu cả năm chỉ tăng 9,54%.

Tăng trưởng GDP.jpeg
TS. Nguyễn Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho rằng cần giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai. Ảnh: Minh Trúc

Kiên định nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, không vội chạy theo tăng trưởng

Cả hai kịch bản tăng trưởng mà CIEM xây dựng tại thời điểm này đều dự báo GDP cả năm 2024 sẽ vượt mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội đề ra cuối năm ngoái. Chính vì vậy, góp ý về công tác điều hành cho những tháng còn lại của năm, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng cần giữ gìn dư địa tài khóa để sẵn sàng ứng phó với các cú sốc trong tương lai.

Bởi nếu nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì sẽ tạo thêm áp lực lạm phát.

TS. Nguyễn Hồng Minh - Viện trưởng CIEM đánh giá từ đầu năm, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu tổng quát là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng phải trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Vậy thì giờ phải tiếp tục yêu cầu ấy, trong đó chú trọng hơn cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động song hành với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Các chuyên gia CIEM kiến nghị cần cải thiện chất lượng tăng trưởng; cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo; tăng năng suất lao động; hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm