Tổng Cục Thống kê vừa nhận định về tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) năm 2023 và dự báo xu hướng DN năm 2024.
Năm 2024 tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi
Theo đó, khoảng 68 ngàn DN sẽ quay lại hoạt động trong năm 2024. Tăng trưởng kinh tế trong nước dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tuy nhiên, diễn biến bất lợi của thế giới tiếp tục tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của Việt Nam.
Trên cơ sở tình hình đăng ký DN năm trước, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dự báo tổng số DN đăng ký thành lập mới năm 2024 đạt khoảng 162,5 ngàn DN, tăng 2%.
Tương tự, đối với số lượng DN quay trở lại hoạt động, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh điều chỉnh từ 74 ngàn DN xuống còn khoảng 68 ngàn DN, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượng DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 dự kiến tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương hơn 178 ngàn DN (trong đó khoảng 10% là DN thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường).
Tuy nhiên, DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng nhưng đã hạ nhiệt so với giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài.
Tháo gỡ khó khăn cho DN, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Theo Tổng Cục thống kê, để doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong năm 2024 nhà nước cần tập trung thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân.
Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời huy động hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, nhất là FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
Khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm và tết Nguyên đán năm 2024.
Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực. Thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện…
Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới Hydrogen. Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Trong đó đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, DN. Không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết.
Khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo đó, đối với ngành công nghiệp- xây dựng, tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn, công nghiệp phụ trợ.
Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ trong các ngành công nghiệp chiến lược và trong lĩnh vực mới nổi như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip và phát triển công nghệ chất bán dẫn.
Năm 2023 DN ngừng hoạt động chủ yếu ở quy mô dưới 10 tỉ đồng
Năm 2023 có 159.294 DN đăng ký thành lập mới, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
DN quay trở lại hoạt động là 58.412 DN, góp phần đưa số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trên 200 ngàn DN, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 ngàn DN; 65,5 ngàn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 18 ngàn DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Phần lớn DN tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể hoạt động dưới năm năm, chủ yếu ở quy mô nhỏ dưới 10 tỉ đồng.