Những điều nhỏ bé hiện hữu giữa đời thường đã đi vào tâm trí và trái tim người dân cũng như du khách một cách tự nhiên, tình cờ rồi được giữ lại luôn trong đó. Nhiều du khách đến TP.HCM và yêu đô thị này ở ngay chính những điều nhỏ nhoi và ý nghĩa này.
Quen hay không, cười đã rồi tính
Tôi nhớ rất rõ nụ cười của cô gái phương Tây khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Nụ cười rạng rỡ của cô bỗng tỏa sáng khi bắt gặp đôi mắt híp lại của tôi - một người xa lạ. Cái cười đáp lại ngọt đến sâu răng và như muốn gửi đến tôi thông điệp “Bạn cười thân thiện lắm” hoặc “Tôi thích nụ cười của bạn”, hoặc “Tôi thích nơi này”… Đáp án nào cũng chill, cũng chất và tôi thích đáp án thứ ba: “Tôi thích nơi này”.
Nơi này là TP.HCM - một đô thị “sang - xịn - mịn” ở mọi ngóc ngách trong góc nhìn và cách nghĩ của du khách khi đặt chân tới đây. Đến TP này, quen hay không quen, cười đã rồi tính. Bởi vì chỉ cần nhìn vào mắt nhau, ngầm hiểu một thông điệp nào đó và cùng cười. Sự thân thiện của thị dân làm cho du lịch TP.HCM những năm gần đây luôn được nâng cấp rất rõ, nâng cấp trong chính nhận thức và suy nghĩ của du khách chứ không đơn thuần là hình thức bên ngoài.
Điều làm cho du khách yêu TP.HCM có lẽ một phần được góp nhặt từ nét duyên của những hành động dù nhỏ nhưng đáng yêu “hết nước chấm”. Bởi có vẻ như TP.HCM xây dựng thương hiệu dựa trên những vốn liếng sẵn có và nụ cười là một loại vốn rất dồi dào của cả người dân TP lẫn những người từ nơi khác đặt chân đến.
Ví như du khách Julia đến từ Tây Ban Nha chia sẻ rằng sau 12 năm cô trở lại TP.HCM, mọi thứ khác lắm. Tất nhiên, với thời đại chuyển đổi số thì tốc độ phát triển đô thị cũng là tất yếu. Diện mạo đô thị TP.HCM nếu không khác xa với 12 năm trước mới là điều khác lạ. Thế nhưng lần này, ngoài những cái nhìn thực tế bằng mắt thì Julia còn thấy rõ sự thay đổi của TP qua cảm giác. Cảm giác bình yên, thân thiện và buông hết mệt mỏi sau chuyến bay chỉ với cái mỉm cười của một người lạ ở sân bay, của anh bảo vệ khách sạn khi hỗ trợ mang hành lý lên phòng và của cô bán hàng rong ngoài góc phố. Julia thấy được sự cố gắng của người bán hàng rong, họ không nói tiếng Anh được nhiều nhưng bằng cử chỉ hoặc vài câu nói bập bõm để cố giải thích cho Julia hiểu trong món ăn này có những gì… Julia rất sung sướng, xúc động vì sự quan tâm ấm áp ấy. Con người gặp nhau và trò chuyện cởi mở đâu có dễ dàng, huống hồ là khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ. “TP.HCM sang chảnh nhưng đâu đó bình dị quá!” - Julia nói.
Yêu nhau bởi những món quà xanh
Hôm ấy, Mark nhận được chiếc nón lạ từ hướng dẫn viên du lịch ở khu vực Hội trường Thống Nhất trước khi thực hiện chuyến đi dạo quanh TP. Chiếc nón lạ này được hướng dẫn viên giới thiệu là làm từ lá cây và đây chính là một đặc trưng trong văn hóa của người Việt. Chiếc nón là bạn đồng hành che nắng che mưa cùng nông dân Việt Nam bao đời nay từ trên nương đến dưới ruộng và nay chiếc nón lá này cũng đi chơi cùng du khách từ miền xa xôi đến. Mark ngắm chiếc nón hình chóp, bên ngoài được vẽ nhiều hoa sen vô cùng tinh xảo, đẹp mắt, màu sắc sống động như thật. Tưởng chừng chỉ là một món quà tặng xinh xinh làm kỷ niệm, thế nhưng khi đi theo đoàn, chiếc nón lá phát huy tác dụng bất ngờ. Không như những chiếc mũ bóng chày anh từng đội, chỉ che được một phần khuôn mặt, chiếc nón lá che mát toàn bộ từ đầu đến vai mà còn rất thoáng. Nón lá phải đi với chiếc quai mới đủ một cặp duyên dáng, đáng yêu. Hướng dẫn viên vừa chỉ cho du khách cách đội nón, gài quai dưới cằm vừa hát: “Yêu nhau cởi nón cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay…”. Cả đoàn lại cùng cười nghiêng ngả. Chuyến du hành trên vùng đất TP.HCM được bắt đầu niềm vui từ chiếc nón lá như thế.
Còn Jeans - du khách đến từ Singapore thì lại cực kỳ thích “con cào cào có cái cánh xanh xanh” của một chú nghệ nhân ở ngã tư nọ bên quận 10. Một chiều thứ Tư mát mẻ, Jeans và bạn bộ hành từ khách sạn ra Công viên Kỳ Hòa dạo mát. Tới ngã tư nọ, Jeans thấy một chú đi xe máy, trên xe có nhiều lá dừa, đặc biệt trước xe có rất nhiều hình dạng ngộ nghĩnh được làm từ loại lá này. Những hoa hồng, những con chim và Jeans lại ấn tượng với những con cào cào. Jeans và bạn tò mò đứng xem rồi chỉ vào con cào cào và hỏi: “How much for this one?” (cái này bao nhiêu tiền?). Chú nghệ nhân nhìn Jeans cười và đưa cho cô con cào cào: “Free, free!” (miễn phí). Jeans ngạc nhiên lẫn vui sướng và tự hỏi “Sao người Việt Nam dễ thương đến vậy?”. Cảm xúc về sự đáng yêu đôi khi ở một vùng đất lạ cũng chỉ có thế.
* * *
Du lịch nụ cười không chỉ có nụ cười mà đâu đó ẩn chứa những điều đáng yêu quá xá của TP.HCM. Người dân quan tâm du khách từ những điều nhỏ nhất nhưng chứa đựng những ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, du lịch nụ cười là nét duyên luôn hiển hiện trên môi của bất cứ ai yêu thương và đặt chân đến TP.HCM cũng như những “người chủ nhà” ra đón tiếp.