Theo thông tin mới nhất từ hãng tin Reuters, du thuyền MS Westerdam của công ty Holland America cuối cùng đã có thể cập cảng sau khi bị từ chối bởi năm cảng khác nhau trong suốt hai tuần qua vì lo ngại lây nhiễm COVID-19.
Campuchia chính là quốc gia đưa ra quyết định chấp nhận cho du thuyền này cập cảng.
Vào sáng sớm ngày 13-2, du thuyền treo cờ Hà Lan đã cập cảng tại thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia. Trên du thuyền có 1.455 hành khách và 802 nhân viên thủy thủ đoàn, theo dữ liệu trên trang web của công ty Marine Traffic.
Du thuyền MS Westerdam đến cảng Sihanoukville ở Campuchia ngày 13-2. Ảnh:
Trước khi cập bến, thuyền trưởng Vincent Smit của du thuyền Westerdam đã thông báo với hành khách rằng họ sẽ neo đậu bên ngoài TP Sihanoukville để cơ quan chức năng kiểm tra sức khoẻ của hành khách và tình trạng du thuyền.
Bắt đầu từ ngày 14-2, các chuyến bay từ thủ đô Phnom Penh sẽ đưa các hành khách trở về nhà. Đại sứ quán Mỹ cũng cho biết sẽ gửi nhóm đến hỗ trợ đưa công dân Mỹ rời khỏi Campuchia, đồng thời hợp tác với đại sứ quán của một số quốc gia khác.
Trước khi được Campuchia chấp nhận cho cập cảng, du thuyền MS Westerdam đã bị Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam, Philippines và Thái Lan từ chối vì nghi ngờ hành khách trên tàu bị nhiễm COVID-19.
Mặc dù trong thời gian đó không có hành khách nào có dấu hiệu bị nhiễm COVID-19 trên tàu, năm nơi trên vẫn không chấp nhận cho du thuyền cập cảng.
Ngày 11-2, du thuyền trên đã bị chính phủ Thái Lan từ chối. Sau đó một tàu chiến của hải quân Thái Lan đã hộ tống Westerdam ra khỏi Vịnh Thái Lan, trước khi thuyền trưởng Smit nhận được chấp thuận cập bến từ Campuchia.
Hành khách trên du thuyền Westerdam dành sự tri ân cho phi hành đoàn.
Ảnh: REUTERS
Cô Angela Jones, một trong những hành khách mắc kẹt trên chiếc tàu lênh đênh suốt hai tuần trên biển cho biết có rất nhiều khoảnh khắc họ thất vọng nặng nề vì bị từ chối cập cảng. Cô mô tả giây phút mình nhìn thấy đất liền là lúc cô cảm thấy xúc động nhất.
Hành khách trên du thuyền Westerdam cho biết để phá bỏ sự lạc lõng của một hành trình không biết điểm dừng trên đại dương vô tận, họ đã tổ chức rất nhiều hoạt động trên tàu để khiến mọi người cảm thấy đỡ nhàm chán.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ sự đánh giá cao đối với hành động tương trợ của chính quyền Thái Lan trong sự việc này.
"Những tình huống như thế giúp chúng ta nhìn thấy điều tốt nhất và xấu nhất trong mỗi người", ông Ghebreyesus nói.