Đưa thi thể 3 phi công gặp nạn về TP.HCM

Trưa 19-10, các lực lượng chức năng đã tìm được chiếc máy bay trực thăng EC-130 T2 số hiệu VN 8632 gặp nạn sáng 18-10. Thi thể của ba thành viên phi hành đoàn sau đó được đưa xuống núi và chuyển ngay về BV 175, TP.HCM.

“Hộp đen của máy bay cũng đã được tìm thấy. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân máy bay rơi và làm công tác chính sách cho các phi công đã hy sinh” - Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thông tin.

Sáng sớm 19-10, bộ chỉ huy lực lượng tìm kiếm đã khoanh vùng bốn khu vực trên núi Dinh là nơi có khả năng máy bay gặp nạn. UBND các xã xung quanh núi Dinh như Tân Hòa, Châu Pha, Tóc Tiên (huyện Tân Thành) và Kim Dinh (TP Bà Rịa) liên tục phát thông báo trên loa về chiếc máy bay mất tích để người dân báo ngay thông tin khi gặp.

Hội ý trong quá  trình tìm kiếm. Ảnh: T.KHÁNH

Đúng 7 giờ, lực lượng tìm kiếm được chia thành bốn đoàn, mỗi đoàn cả trăm người mang theo dụng cụ đo đạc, thiết bị định vị bắt đầu tiến lên núi Dinh. Ba đoàn đi theo hướng xã Châu Pha, Tân Hòa về phía núi Bao Quan. Một đoàn khác đi theo hướng từ Suối Đá băng ngang sang núi Bao Quan. PV Pháp Luật TP.HCM có mặt trong đoàn này. Đường đi hết sức khó khăn do rừng núi dốc, cây rừng rậm rạp. Đi ngang qua một số cốc ở xã Tân Hòa, đoàn chúng tôi được các sư thầy xác nhận có thấy máy bay bay rất thấp nhưng không nghe tiếng nổ.

Sau hai tiếng băng rừng, một đoàn tìm kiếm đã lên được đỉnh núi Bao Quan nhưng vẫn không thấy chiếc máy bay. Bộ chỉ huy quyết định điều động trực thăng bay lên xác định lại vị trí máy bay gặp nạn rồi bắn pháo hiệu để các đơn vị phía dưới dễ định vị.

Đến hơn 11 giờ cùng ngày, một đoàn tìm kiếm đã tìm thấy vị trí máy bay rơi cùng ba thành viên tử nạn tại khu vực mà người dân địa phương gọi là bãi Ma Chầu, núi Bao Quan. Khu vực này cách chùa Kim Liên (xã Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành) hơn hai giờ đi bộ.

Ngay lập tức các lực lượng công an, bộ đội và Công ty Trực thăng miền Nam đã lần lượt tiếp cận hiện trường. Sau khi khám nghiệm sơ bộ, đoàn đã đưa thi thể ba thành viên phi hành đoàn xuống chân núi, sau đó chở về BV 175, TP.HCM.

Có mặt tại chùa Kim Liên, Thượng tướng Võ Văn Tuấn thay mặt Bộ Quốc phòng và gia đình các phi công gặp nạn gửi lời cảm ơn tới các lực lượng chức năng địa phương và người dân đã hỗ trợ, tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho hay hộp đen và một phần của máy bay gặp nạn đã được đưa xuống núi để phục vụ công tác điều tra. Hiện trường và các công tác tiếp theo sẽ giao lại cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp quản.

Lúc 16 giờ 30, thi thể ba phi công đã được đưa về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM).

Đưa thi thể 3 phi công gặp nạn về TP.HCM ảnh 2

Hay tin muộn, cả gia đình bà Nguyễn Thị Thu (ảnh, bên phải - cô ruột Trung úy Nguyễn Văn Tùng) tức tốc chạy từ Bình Dương đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng lúc 17 giờ và đã không kịp đón cháu mình. Theo cô Thu, Tùng là con thứ hai và cũng là con trai duy nhất của gia đình. Sau ba năm học ở Nha Trang, Tùng vừa được chuyển vào Bà Rịa-Vũng Tàu vài tháng thì gặp chuyện.

“Lúc nhận được thông tin máy bay rơi, tôi hoang mang lắm. Chỉ cầu mong điều thần kỳ xảy ra. Cả nhà trông đợi vào nó, mong nó cống hiến được nhiều cho Tổ quốc. Vậy mà chưa kịp làm gì đã phải ra đi đau thương thế này” - cô Thu chia sẻ.

H.PHƯỢNG - H.GIANG

Cha - con đều là người hùng

Cuối năm 2015, khi làm phóng sự về những lính phi công của Trường Sĩ quan Không quân, chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại úy Dương Lê Minh. Không nói nhiều về bản thân, anh lại nhắc tới người bố của mình, Thượng tá Dương Văn Thanh, nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mãi mãi Minh không thể quên được ngày 29-4-2005. Minh chia sẻ: “Ngày ấy, tôi đang là học viên phi công tại Trường Sĩ quan Không quân. Nghe tin bố hy sinh, cả nhà đều suy sụp. Mẹ tôi không muốn tôi theo nghiệp bay của bố nữa. Thế nhưng sự hy sinh của bố tôi đã trở thành động lực, là niềm kiêu hãnh để tôi vươn lên, nỗ lực trở thành phi công”.

Vào cái “ngày ấy” mà Minh nói, Thượng tá Thanh cùng Trung úy phi công trẻ Đào Việt Hưng lên chiếc máy bay L-39 số hiệu 8732 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu. Trong lúc đang lượn trên bầu trời, chiếc L-39 chết máy đột ngột. Khi đó máy bay cách bờ biển Nha Trang khoảng 3 km, bên dưới là biển, phía trước là đảo Hòn Tre khá đông du khách. Sở chỉ huy bay ra lệnh “đồng chí được nhảy dù để thoát hiểm”.

Thế nhưng Thượng tá Thanh đã không nhảy dù thoát hiểm mà phản hồi: “Phía trước là đảo, tôi phải điều khiển máy bay ra phía biển”. Trong tích tắc, Thượng tá Thanh ra lệnh cho phi công trẻ Đào Việt Hưng đẩy cửa, bung dù để thoát hiểm trước rồi bình tĩnh điều khiển máy bay lượn vòng tránh đảo Hòn Tre.

Khi máy bay hướng ra biển cũng là lúc không còn đủ độ cao để thoát hiểm. Chiếc L-39 rơi xuống mặt biển đã cướp đi sinh mạng của một anh hùng thực sự. Năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới đối với Thượng tá Dương Văn Thanh.

Như là định mệnh, giờ đây, người con trai duy nhất của Thượng tá Thanh cũng ra đi mãi mãi khi đang bay huấn luyện. Không còn chiến tranh nhưng vì nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc giao phó, bà Lê Thị Minh Thủy đã mất cả chồng lẫn con trai. Gia đình và đồng đội luôn khắc ghi hình ảnh các anh.

KỲ VĂN

Tùng sống rất tử tế

“Mới gặp nhau hôm qua đó mà, tất cả như một giấc mơ nhưng không phải em đã ra đi thật rồi! Vĩnh biệt em, bạn bè sẽ luôn nhớ về em” - đó là tình cảm mà bạn bè, người thân bày tỏ trên tường Facebook của Trung úy Nguyễn Văn Tùng.

Người thân của Tùng, chị Nguyễn Hòa chia sẻ: “Phép màu và điều kỳ diệu đã không đến với em. Em ra đi để lại cho nhà mình và mọi người nỗi đau quá lớn”. Nhắc chuyện trước ngày gặp nạn, Tùng đã nhắn tin hỏi thăm mẹ đi khám bệnh chưa, một người thân khác chia sẻ: “Suốt ngày hỏi thăm bố mẹ thế này cơ mà! Dậy đi! Dậy về mà chăm sóc bố mẹ đi Tùng ơi!!!”.

Hoàng Hiệp, bạn học ở Trường THPT Hàm Rồng, chia sẻ: “Tùng tự lập, hiền lành và luôn giúp đỡ những người bạn khó khăn. Từ ngày học cấp III, Tùng có chí hướng trở thành phi công dù gia đình rất có điều kiện, bố mẹ kinh doanh nhà hàng lớn nhất nhì TP Thanh Hóa. Hôm qua, khi nghe tin Tùng bị tai nạn, cả gia đình, người thân chỉ biết ôm nhau khóc, hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến. Nhưng hôm nay tất cả đã kết thúc...”.

Đ.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm