“Nếu cứ dựa vào quan hệ thì chắc chắn không thể có tầng lớp doanh nhân chân chính, nhân bản”. Thông điệp này được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc, nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân ngày Doanh nhân 13-10.
Muốn môi trường minh bạch
. Phóng viên: Thưa ông, chúng ta đã đi qua 30 năm đổi mới và tầng lớp doanh nhân cũng đã đóng vai trò lớn hơn trong tiến trình hội nhập, vươn ra biển lớn?
+ TS Vũ Tiến Lộc: Đúng thế! Tôi rất vui mừng vì doanh nhân hiện không còn bị gọi là “con buôn”, là “thằng bán tơ” hoặc bằng những từ không đẹp.
Nhưng chúng ta phải công nhận một điều: Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp (DN) có quy mô tương đối lớn được xếp hạng cao trong khu vực nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn.
Các đại gia của ta tới nay chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính, ngân hàng và bất động sản (rất ít thấy trong lĩnh vực công nghệ, sáng tạo...).
Hơn nữa tầng lớp doanh nhân trước nay trưởng thành chủ yếu là nhờ lăn lộn trên thương trường, nhờ vào kinh nghiệm mà không cần phải học hành gì nhiều. Nhưng tình thế hiện nay đã khác. Bây giờ người làm kinh doanh phải có học vấn, phải học hỏi. Chiến lược kinh doanh phải bài bản, rõ ràng, đi vào cốt lõi chứ không thể lan man như trước.
. Phải chăng trước đó chúng ta đã không có một đường hướng phát triển DN, cũng như một định hướng kinh doanh đúng?
+ Một đại gia dệt may mới tuần trước nói với tôi cứ ban ngày họ phải lo kinh doanh, còn tối đến thì phải lo đi quan hệ. Đây là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận. Nhiều doanh nhân làm giàu cho bản thân nhờ vào các mối quan hệ là chính.
Nhưng khi môi trường kinh doanh trở nên minh bạch, bình đẳng thì sẽ “không còn đất cho quan hệ”. Nếu cứ dựa vào quan hệ thì chắc chắn không thể có tầng lớp doanh nhân chân chính, nhân bản và vị quốc. Chính phủ quyết bỏ cơ chế xin-cho, thiết lập chính phủ kiến tạo, phục vụ thì DN cũng phải chống “quan hệ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu tại lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “DN Việt Nam hội nhập và phát triển” vừa diễn ra nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Ảnh: TTXVN
Không thể cứ lẽo đẽo theo sau
. Có ý kiến cho rằng doanh nhân phải có trái tim, nhiệt huyết. Và như vậy mới có thể thúc đẩy minh bạch, bình đẳng và cải cách, chứ không dựa dẫm vào quan hệ như ông cảnh báo?
+ Một vị chủ tịch tỉnh hỏi tôi: “Liệu yêu cầu doanh nhân kinh doanh bằng trái tim có xa xỉ trong thời buổi hiện nay không?”. Tôi trả lời rằng không xa xỉ chút nào. Bởi nếu kinh doanh bằng trái tim thì đó mới là kinh doanh bền vững.
Nhìn ra thế giới, những doanh nhân lớn chính là những người có trái tim, họ kinh doanh là để phụng sự con người, phụng sự xã hội chứ không chỉ vì bản thân mình. Bill Gates tạo ra Microsoft trước hết là vì đam mê công nghệ và muốn mọi người được hưởng dùng công nghệ tuyệt vời ấy. Mark Zuckerberg cũng tạo nên Facebook trước hết là để nối kết mọi người.
Và hiện nay chúng ta thấy Microsoft và Facebook trở nên thiết yếu cho cuộc sống toàn cầu và Bill Gates, Mark Zuckerberg là những tỉ phú.
Bởi vậy, mục tiêu phải là phụng sự con người và xã hội không phải là khẩu hiệu sáo mòn, là thứ hàng xa xỉ, mà là chân lý thành công của doanh nhân! Tức doanh nhân nỗ lực làm giàu một cách văn minh, liêm chính với sức cạnh tranh cao.
. Vậy theo ông, thách thức lớn nhất đối với doanh nhân Việt Nam hiện nay là gì?
+ Tác động cộng hưởng của hội nhập với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ tư sẽ tạo ra những áp lực cực lớn với cả cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân. Các lợi thế về địa kinh tế của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam có thể sẽ mất đi.
Công nghệ tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới, công nghệ nano, in 3D… với chi phí ngày càng thắng thế. Chẳng hạn mới đây tập đoàn công nghệ đầu tư hàng đầu Foxconn vừa quyết định sử dụng 6 vạn tay máy công nghiệp cho việc thiếu công nhân bản địa ở Trung Quốc.
Đó là những thách thức không chỉ cho doanh nhân mà còn cho cả nền kinh tế. Nhưng với sự chuyển mình của thể chế theo hướng tích cực như thời gian qua khiến tôi có một niềm tin vào một thế hệ doanh nhân mới, sáng tạo. Nếu được như vậy thì nền kinh tế cũng như doanh nhân Việt Nam không còn phải cứ lẽo đẽo theo sau kinh tế và doanh nhân các nước tiên tiến!
. Xin cám ơn ông.
Ông Diệp Dũng , Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op: Phấn đấu giữ vững thị phần của bán lẻ trong nước Đối với tôi, Ngày doanh nhân Việt Nam là một ngày hết sức ý nghĩa. Bởi vì tôi cũng như bao nhiêu anh chị doanh nhân khác đều cảm thấy tự hào rằng nghề nghiệp của chúng tôi được cộng đồng xã hội ghi nhận và vinh danh. Đây là động lực to lớn để các thế hệ doanh nhân Việt Nam không ngừng nỗ lực để hoàn thiện mình, nâng cao trình độ quản lý để nâng cao hiệu quả kinh doanh Đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ ngân sách và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Trước xu thế hội nhập, dẫu trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng Saigon Co.op cam kết sẽ phát triển vì lợi ích cộng đồng, sẽ kiên định với chính sách đồng hành và ủng hộ hàng Việt, tiếp tục là hệ thống phân phối và quảng bá hàng Việt hiệu quả. Đồng thời tăng cường gắn kết hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước để tạo sức mạnh tổng hợp, tạo đối trọng cần thiết nhằm giữ vững thị phần của bán lẻ trong nước. Ông PHẠM MINH THIỆN, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May: Bảo vệ người kinh doanh chân chính Thời gian qua các chính sách kinh tế vĩ mô đã có những cải thiện tích cực. Qua đó đã tạo điều kiện cho DN hoạch định được chiến lược kinh doanh. Tuy vậy tôi mong muốn chính sách của Nhà nước cần cập nhật sát sao hơn nữa với tình hình thực tế của cộng đồng DN, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng. Qua đó để tạo thuận lợi hơn để các DN Việt chân chính có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Thực tế trong quá trình điều hành DN tôi thấy có một số chính sách chưa thông thoáng. Chẳng hạn Nghị định 109/2010 về xuất khẩu gạo với nhiều điều kiện không hợp lý như quy định về kho chứa, khai thác thị trường… Điều này làm khó cho nhiều DN. Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit: Đồng hành với doanh nhân trẻ Hiện các DN nhất là các DN nhỏ gặp một số khó khăn như: Cơ chế dành cho DN không nhất quán, rõ ràng và chưa công bằng, thậm chí có chính sách mang màu sắc của “mối quan hệ” lợi ích nhóm. Môi trường để tạo cơ hội cho doanh nhân trẻ, sáng tạo, có tính đột phá cũng còn hạn chế. Vì vậy tôi cho rằng Nhà nước cần phải cải thiện các chính sách để từ đó đồng hành, hỗ trợ doanh nhân. Chẳng hạn Đồng Tháp hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong việc thuê đất để làm ruộng, nhà xưởng hay tìm cách giúp họ tiếp cận được nguồn tài chính. Những chính sách như vậy sẽ góp phần nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nhân Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt nổi tiếng. Ông VÕ TẤN HOÀNG VĂN, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB: Cạnh tranh bằng công nghệ hiện đại Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã đem lại cho thị trường tài chính cũng như hệ thống ngân hàng Việt nhiều cơ hội, đặc biệt là phân khúc bán lẻ. Trước những áp lực và đòi hỏi của thị trường bán lẻ, hiện chúng tôi tập trung phát triển các ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cấp hệ thống thanh toán. Từ đó vừa đáp ứng tiêu chí nhanh chóng, tiện lợi nhưng phải an toàn và bảo mật. Chỉ khi nào đầu tư vào những sản phẩm có chất lượng thì mới có thể thu hút khách hàng, cạnh tranh với các ngân hàng khác bao gồm cả ngân hàng quốc tế. Ông LƯƠNG SĨ KHOA, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia Investment: Chấp nhận bước vào cuộc chơi lớn Những hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang đến rất nhiều điều mới mẻ bao gồm cả cơ hội và thách thức cho DN Việt. Tôi cho rằng để cạnh tranh tốt thì các DN Việt phải duy trì năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao năng lực quản lý, nâng cao văn hóa DN. Bởi vì nền kinh tế đất nước đang phát triển nhanh, doanh nhân mình luôn phải có tư tưởng cầu tiến, cải cách thì mới vững vàng được. Riêng đối với An Gia Investment, ngay từ đầu chúng tôi đã luôn xác định tâm thế bước vào một cuộc chơi lớn. Theo đó, chúng tôi chủ động liên kết với các đối tác nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ tiên tiến vào sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời chúng tôi có những chiến lược rõ ràng khi phát triển sản phẩm, làm sao để vừa phát triển những dự án mới, hiện đại, mang tính hội nhập nhưng vẫn duy trì được những giá trị truyền thống của Việt Nam. Ông Phan Văn Thuận, Phó tổng giám đốc Công ty nước nắm 584: Cần giảm lãi suất Thời gian qua dù các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp cho doanh nghiệp phần nào cải thiện được “sức khỏe”. Tuy nhiên, tôi mong muốn nhà nước làm sao giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các công ty tiếp cận vốn mang tính dài hạn với lãi suất hợp lý và hỗ trợ cho ngư dân vốn đang gặp nhiều khó khăn. TÚY UYÊN - THÙY LINH ghi |