Căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông với Iran đã lên đến mức báo động và khiến không ít người nghĩ tới nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa hai nước. Trong lúc này lại xuất hiện các thông tin đặc biệt gây lo ngại cho Mỹ và đồng minh.
Hệ thống phòng không tự tạo Iran có thể diệt 6 mục tiêu cùng lúc
Hãng tinTasnim dẫn thông tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Iran – Chuẩn tướng Amir Hatami cho biết quân đội nước này ngày 9-6 đã ra mắt một hệ thống tên lửa phòng không nội địa hoàn toàn mới với rất nhiều khả năng vượt trội, đáng gờm.
Hệ thống tên lửa phòng không nội địa này có tên Khordad 15, được phát triển từ hệ thống phòng không Talash, được trang bị thêm các radar xác định mục tiêu mới, tiên tiến, các bệ phóng độc lập, các tên lửa tầm xa Sayyad-3.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran – Chuẩn tướng Amir Hatami (giữa) đến tham dự lễ ra mắt hệ thống tên lửa phòng không Khordad 15 ngày 9-6. Ảnh: TWITTER
Hệ thống Khordad 15 có thể phát hiện máy bay chiến đấu và máy bay không người lái xâm nhập ở tầm xa 150 km và có thể truy đuổi bắn hạ chúng ở tầm xa 120 km, Bộ trưởng Hatami cho biết.
Hệ thống Khordad 15 cũng có thể phát hiện, truy đuổi “các mục tiêu tàng hình”, có khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình ở tầm xa 85 km và bắn hạ ở tầm xa 45 km. Hơn hết, hệ thống Khordad 15 có thể tiêu diệt cả sáu mục tiêu cùng lúc.
Hệ thống tên lửa phòng không Khordad 15 của Iran có thể phát hiện và đuổi bắn “các mục tiêu tàng hình”. Ảnh: TWITTER
Về độ cao, Bộ trưởng Hatami cho biết hệ thống Khordad 15 có thể bắn các mục tiêu ở tầm cao 27 km. Vì có tính di động cao nên quân đội Iran chỉ cần năm phút để chuẩn bị cho việc kích hoạt sử dụng hệ thống Khordad 15, Bộ trưởng Hatami cho biết.
Các hệ thống Khordad 15 đã được triển khai cho lực lượng phòng không của quân đội Iran.
Hệ thống tên lửa phòng không Khordad 15 của Iran có thể tiêu diệt cả sáu mục tiêu cùng lúc. Ảnh: TWITTER
Những năm gần đây, Iran đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí và bớt lệ thuộc hơn vào các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài. Hồi tháng 2, Iran đã thử thành công tên lửa hành trình tầm xa Hoveizeh có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa hơn 1.350 km.
Cũng trong tháng này, Iran đã phóng thử một tên lửa hành trình chống tàu đầu tiên từ tàu ngầm lớp Ghadir của mình.
Tên lửa tầm xa Sayyad-3 của Iran - loại tên lửa được trang bị cho hệ thống phòng không Khordad 15. Ảnh: RT
Iran có động thái trình làng hệ thống tên lửa phòng không Khordad 15 trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ cũng như với các đối thủ trong khu vực đang ở mức cao nguy hiểm.
Mỹ tháng rồi đã có triển khai đội tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và nhiều máy bay ném bom chiến lược B-52 đến gần Iran, cũng như thông báo kế hoạch gửi thêm quân đến Iraq – giáp Iran. Các quan chức Iran tuyên bố sẽ không để yên cho các lực lượng Mỹ trong khu vực nếu Iran bị tấn công.
Có thể có vũ khí hạt nhân chỉ trong 6 tháng nữa
Trước đó, cuộc trả lời phỏng vấn với đài phát thanh quân đội Israel Army Radio ngày 4-6, cựu Phó tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Olli Heinonen cảnh báo Iran chỉ còn vài tháng nữa là có được vũ khí hạt nhân, có khả năng xúc tiến một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Cụ thể, theo ông Heinonen, Iran sẽ sản xuất đủ uranium làm giàu để chế tạo một quả bom hạt nhân trong vòng 6-8 tháng nữa, “nếu họ đặt tối đa nỗ lực vào đó”.
Một cơ sở xử lý uranium của Iran gần TP Isfahan của Iran – có nhiệm vụ xử lý quặng uranium tinh chế và sau đó đưa uranium vào các máy ly tâm để làm giàu. Ảnh: AP
IAEA trước giờ vẫn khẳng định Iran tuân thủ đúng thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015. Tới tuần trước IAEA vẫn khẳng định chương trình hạt nhân Iran vẫn nằm trong giới hạn thỏa thuận hạt nhân cho phép, dù kho uranium làm giàu thấp và nước nặng của nước này đang có dấu hiệu tăng.
Theo ông Heinonen, dù các lãnh đạo IAEA nói Iran tuân thủ đúng thỏa thuận hạt nhân, nhưng thực tế không như vậy. Ông Heinonen phàn nàn IAEA đã để mặc Iran làm giàu uranium để sản xuất vũ khí hạt nhân. Ông Heinonen rời IAEA năm 2010 và hiện là nhà nghiên cứu tại tổ chức Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ vốn có quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran.
Bên cạnh chỉ trích IAEA ông Heinonen cũng đồng thời chỉ trích quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump. Theo ông, thái độ cứng rắn của Mỹ với Iran có thể mang lại tác dụng ngược.
“Tôi nghĩ họ có thể cảm thấy dễ chịu (với quyết định của ông Trump). Họ có công nghệ làm giàu và họ có thể lập thêm nhiều máy ly tâm. Có thể họ sẽ có thể chịu đựng được rất nhiều lệnh trừng phạt”, ông Heinonen nói.
Nhà thương lượng hạt nhân Iran Javad Vaeedi (phải) và Phó Tổng Giám đốc IAEA Olli Heinonen (trái) trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp ở Tehran ngày 12-7-2007. Ảnh: AP
Iran tuyên bố sẽ ngưng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm P5+1 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt trừng phạt kinh tế nước này và tuyên bố sẽ trừng phạt các nước nhập khẩu dầu của Iran. Thời gian qua Mỹ thường xuyên ám chỉ đến khả năng đối đầu quân sự, gửi quân và khí tài, vũ khí đến khu vực để đối phó Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có đề cập đến đe dọa từ Iran trong chuyến thăm Anh ba ngày đầu tuần này. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 4-6, Tướng Tamir Hayman - Giám đốc cơ quan Tình báo Quân sự Israel cho rằng Iran bị trừng phạt nặng về kinh tế là động lực đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm vào các tàu dầu thương mại ở khu vực tháng trước cũng như khiến Iran đẩy mạnh làm giàu uranium.
Ngày 15-5, Iran thông báo sẽ đẩy mạnh chương trình làm giàu uranium phản ứng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và trừng phạt kinh tế mình cũng như đe dọa trừng phạt các nước nhập khẩu dầu từ Iran.
Tháng trước, bốn tàu dầu Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất bị tấn công ở vịnh Oman. Mỹ và Israel nói Iran đứng đằng sau vụ việc, nhưng Iran phủ nhận. Vài ngày sau, nhóm phiến quân Houthi ở Yemen – nhóm vũ trang nhận nhiều hỗ trợ từ Iran – đã thực hiện nhiều đợt không kích bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia.
Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là viễn cảnh đáng sợ trước hết là với các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ông Heunonen cảnh báo Israel – đối thủ số một của Iran ở Trung Đông – sẽ là nước chịu rủi ro nhiều nhất khi sức mạnh đe dọa của Iran tăng lên.
“Israel sẽ phải lo lắng, và các nước vùng Vịnh cũng có lý do để lo ngại”, ông Heinonen nói với Army Radio.
Căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang nguy hiểm từ khi Iran hiện diện ở Syria theo danh nghĩa hỗ trợ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến nước này, tuy nhiên Israel cho rằng Iran chỉ lấy cớ để tạo cơ sở rồi từ đó tấn công sang Israel.