Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, trong những ngày qua tại nhiều địa phương như TP.HCM, An Giang, Bình Dương, Bến Tre, Bình Phước… có tình trạng cửa hàng kinh doanh xăng dầu hết mặt hàng xăng hoặc dầu, dù vẫn mở cửa bán bình thường. Điều này gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN).
Mức hoa hồng rất thấp, thậm chí 0 đồng nên các cửa hàng xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, càng bán càng lỗ. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Một cửa hàng xăng tại quận Bình Tân, TP.HCM thông báo hết xăng vào trưa 5-10. |
Kiến nghị tập thể
Ngày 6-10, 36 công ty kinh doanh xăng dầu TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh những bất hợp lý trong kinh doanh xăng dầu và kiến nghị giải pháp. Nội dung đơn nêu: Việc điều hành thời gian qua gây bất lợi cho DN dẫn đến bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, theo Nghị định 95/2021, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố. Tuy nhiên, liên bộ Công Thương - Tài chính đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì DN bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.
Bên cạnh đó, việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là xăng dầu. Tuy nhiên, tư duy luôn kìm hãm giá vì muốn sử dụng hàng hóa giá thấp hơn thị trường là không phù hợp. Chẳng hạn giá xăng dầu thị trường là 20.000 đồng/lít nhưng nhà điều hành muốn giá còn 19.000 đồng/lít… Từ quan điểm này dẫn đến việc không tính đúng, tính đủ chi phí trong giá cơ sở, hệ quả là DN bán lẻ phải chịu tình trạng mua vào giá cao hơn bán ra.
“Có rất nhiều giai đoạn DN bán lẻ càng bán càng lỗ mà vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số DN bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra” - đơn kiến nghị của tập thể các DN nêu.
Hơn nữa, theo các công ty xăng dầu, việc không quy định rõ ràng DN bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh hoa hồng là nguyên nhân chính dẫn đến DN bán lẻ luôn chịu thua thiệt.
Từ thực tế trên, tập thể 36 công ty xăng dầu kiến nghị Nhà nước cần thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí dẫn đến DN càng bán ra càng thua lỗ. Song song đó, khi kinh doanh xăng dầu chưa theo quy luật thị trường hoàn toàn, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quy định áp dụng mức hoa hồng cố định theo định mức đối với DN bán lẻ, tỉ lệ không nhỏ hơn 6%-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu.
Nghĩa là áp dụng theo tỉ lệ chứ không áp dụng theo số tiền cụ thể để nếu giá xăng dầu tăng, giảm thì vẫn áp dụng ổn định. Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn, kể cả vận chuyển không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.
“Chính phủ cần xem xét loại bỏ quỹ bình ổn vì hoạt động không khách quan. Nhà nước nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ DN theo dõi được rõ ràng hơn. Bởi vì DN, đại lý đang có hoa hồng 0 đồng mà liên bộ Tài chính - Công Thương lại cho trích quỹ 600 đồng/lít, thay vì phần này đưa vào giảm lỗ cho các DN bán lẻ đang cực kỳ khó khăn” - các công ty xăng dầu kiến nghị.
Việc điều hành thời gian qua gây bất lợi cho DN dẫn đến bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Sẽ sớm giải quyết
Sở Công Thương TP.HCM vừa có cuộc họp đột xuất với các công ty xăng dầu trên địa bàn. Tại đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nói rất chia sẻ với các DN xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Các DN xăng dầu hiện nay phải gồng gánh những khó khăn cùng TP để chia sẻ nguồn hàng có được.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp ý kiến và kiến nghị các cơ quan của trung ương điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Đây là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay. Chúng tôi cũng đề nghị bộ, ngành có tính toán nguồn vốn, mở room tín dụng cho DN vay vốn” - ông Vũ nói.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất điều chỉnh phụ phí cũng như chi phí đưa xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở.
Qua đó góp phần giải quyết khó khăn cho DN xăng dầu và tăng lợi nhuận cho các DN xăng dầu, từ DN đầu mối, thương nhân phân phối đến DN bán lẻ. Qua đó cũng tác động tới chiết khấu, nâng chiết khấu của cửa hàng bán lẻ, tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh xăng dầu.
Ông Đông nhấn mạnh việc điều chỉnh này sẽ được thực hiện trong kỳ điều hành xăng dầu sớm nhất có thể. “Ngoài ra, chúng tôi cũng có những biện pháp để hỗ trợ các DN xăng dầu và đề nghị các DN đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ phải hài hòa lợi nhuận và chia sẻ rủi ro trong những lúc khó khăn như thế này” - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay.•
Hết xăng dầu cũng không được đóng cửa
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đăng ký thời gian bán hàng, niêm yết thời gian bán hàng và bán đúng thời gian đã niêm yết. Việc ngưng bán xăng dầu phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương.
Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu cũng tuân theo quy luật kinh tế thị trường cũng như phải tính đến hiệu quả hoạt động. Vì vậy vấn đề này cũng gây khó khăn cho các cửa hàng bán lẻ, nhất là các trường hợp hết hàng thực tế, không đầu cơ, găm hàng, tích trữ nhưng phải buộc mở cửa dù không còn xăng dầu để bán.
Ngoài ra, chế tài về xử lý vi phạm hành chính, các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu không điều chỉnh về các trường hợp “vẫn mở cửa buôn bán nhưng không còn xăng dầu, đang chờ nhập hàng hoặc nêu lý do bên cung ứng không chịu cung cấp”. Trong khi bên cung ứng nằm ở tỉnh, thành khác nên cơ quan chức năng khó khăn trong xử lý.