Một đám cưới thình lình bao trùm không khí tang tóc khi khách mời của hai bên dâu-rể đã không thể kiềm chế sự khích bác nhau trên bàn nhậu.
Hoặc như hôm 7-10 vừa qua tại Bình Dương, một giáo viên tử vong vì phản ứng với một cuộc nhậu có kèm theo thư giãn bằng “loa kẹo kéo”.
Tất nhiên trong chuyện này, nạn nhân có lý do chính đáng để phàn nàn khi không gian công cộng bị cưỡng bức…
Thế nhưng nhìn dưới góc độ các mối quan hệ xã hội, đó là ba trong số rất nhiều câu chuyện do thiếu kiềm chế dẫn tới hậu quả rất đáng tiếc cho cả nạn nhân lẫn thủ phạm mà chúng ta không hiếm gặp trong cuộc sống.
Công thức của những vụ việc trên thường đến từ hai phía theo trình tự: Cảm thấy bị xâm phạm lợi ích, bực bội, trực tiếp bày tỏ thái độ... rồi gặp phải hành động tiêu cực từ phía bên kia.
Điểm chung của phía bên kia là họ xem nhẹ đối thoại, sẵn sàng tranh cãi và (đôi khi) không ngại sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Yếu tố “hành xử theo pháp luật” hầu như vắng bóng hoặc rất mờ nhạt so với việc họ muốn thể hiện mình... Cơ quan chức năng dường như chỉ là phương án cuối cùng là tới hiện trường xử lý hậu quả của cách thể hiện cái tôi khá hoang dã của họ.
Tôi cho rằng trình tự trên là một nghịch lý đáng báo động trong xã hội văn minh. Vì trong xã hội văn minh, khi tông xe, anh biết bình tĩnh chờ cảnh sát tới giải quyết; khi mâu thuẫn trong cuộc nhậu, anh có thể im lặng rồi khởi kiện ra tòa hành vi xúc phạm của đối phương. Hoặc thấy “loa kẹo kéo” ồn ã, một cú điện thoại cho lực lượng có nhiệm vụ cùng thẩm quyền giữ gìn an ninh khu vực chắc chắn tốt hơn việc bức xúc mà bất chấp mối nguy khiêu khích một đám đông người...
Tất nhiên khi gặp một tình huống đôi co, ta đợi cơ quan chức năng tới giải quyết nhưng chậm hoặc chờ hoài không thấy thì đó lại là câu chuyện khác: Câu chuyện của những người có trách nhiệm, họ đang ở đâu, làm gì để dẫn đến những bi kịch trên?
Câu hỏi trên đang chờ câu trả lời từ những người liên quan. Chẳng hạn từ chuyện thương tâm của thầy giáo phải bỏ mạng vì nhắc nhở hàng xóm hát karaoke, những người được pháp luật trao cho công cụ để xử lý vi phạm tiếng ồn từ các loa karaoke khủng gây nhức óc đang tràn lan trong xã hội cần phải biết giật mình để mà hành động.