Ngoài những vấn đề pháp lý thì mong muốn giữ lại được thương hiệu của các doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước… cũng là điều được nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo về chủ đề này diễn ra ngày 12-6. Hội thảo do hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tổ chức.
Dạ Lan tan biến, Kinh Đô phổ biến
TS Ngô Trí Long trong tham luận của mình kể lại nhiều câu chuyện hay về sự biến động của các thương hiệu lớn ở Việt Nam (VN) và thế giới. Ông trích dẫn câu chuyện cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi còn đương chức đã quyết định “cứu sống” General Motors bằng mọi giá với mong muốn giữ vững thương hiệu quốc gia của Mỹ. “Còn LG, Samsung, Sony, Honda, Toyota… thì không chỉ đơn thuần là thương hiệu của một DN, mà là nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng của Hàn Quốc, Nhật Bản” - ông Long nói.
Tại VN, theo TS Ngô Trí Long, đã có những quy định về giữ gìn thương hiệu. Chẳng hạn có những nghị định yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN cổ phần hóa trong thời gian ít nhất ba năm. Tuy vậy, thực tế vẫn không như mong muốn.
Đơn cử như câu chuyện về thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan. TS Long cho biết: Dạ Lan vang bóng một thời năm 1995 đã được Công ty Sơn Hải bán cho Công ty Colgate Palmolive của Mỹ với niềm tin rằng Colgate sẽ giúp nâng cao giá trị của thương hiệu Dạ Lan.
Sau khi tham gia liên doanh với Công ty Sơn Hải, Colgate trở thành chủ sở hữu 100% của công ty liên doanh này vào năm 1998. “Nhưng chỉ trong vòng vài năm, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan đã sớm biến mất trên thị trường” - ông Long nói với vẻ tiếc nuối.
Sau khi mua lại hệ thống siêu thị Metro, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (thứ hai từ trái qua) đổi tên siêu thị này thành MM Mega Market. Ảnh: TÚ UYÊN
Điều này hoàn toàn trái ngược với thương vụ Mondelez International thâu tóm bánh kẹo Kinh Đô năm 2015. Khi ấy, nhiều ý kiến lo ngại Kinh Đô sẽ biến mất và Mondelez International cam kết tiếp tục giữ, phát triển thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô tại thị trường VN.
“Đến nay thương hiệu Kinh Đô vẫn được duy trì và phân phối đều đặn trên thị trường VN như bánh mặn AFC, bánh quy Cosy, bánh Trung thu Kinh Đô… Mondelez Kinh Đô cũng đẩy mạnh sản xuất nội địa, nâng cấp những nhà máy sản xuất hiện có và mở thêm các cơ sở sản xuất mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động tại VN” - TS Long nói và cho hay các sản phẩm của Mondelez Kinh Đô còn được xuất khẩu đến nhiều thị trường.
Từ những câu chuyện trên, TS Ngô Trí Long nói ông ủng hộ cổ phần hóa. Bởi nhờ vào cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động của các DN nhà nước đã được tăng lên. DN nhà nước sau cổ phần sẽ hoạt động minh bạch hơn, giảm lãng phí và thúc đẩy sự thích nghi với thị trường. Tuy vậy, cần tìm cách giữ gìn những thương hiệu nổi tiếng.
Đánh thức gã khổng lồ ngủ gật
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nêu thực tế có những DN nhà nước hạ giá ba lần vẫn không bán được. Thậm chí có DN nhà nước đến tám lần bán vốn vẫn không thành công.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng ông Lai tập trung vào những vấn đề như tỉ lệ sở hữu vốn của SCIC quá nhỏ; DN nhà nước phải cổ phần hóa, thoái vốn đã có cổ đông chiến lược hoặc các cổ đông có tranh chấp. Mặt khác, việc bán vốn nhà nước hiện nay vẫn còn khoảng trống giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. “Vừa rồi bán vốn tại Vinamilk, hợp đồng bán vốn chỉ có 3-4 trang giấy. Nhà đầu tư nước ngoài rất… lạ với điều này” - ông Lai cho hay.
Lấy ví dụ nước Anh những năm 1980, ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho rằng nhờ vào cổ phần hóa, nước này đã đánh thức được những “gã khổng lồ đang ngủ gật”. Đây là bài học để VN tích cực thực hiện quá trình này. Tuy vậy, VN còn nhiều điểm cần cải thiện đối với công tác cổ phần hóa các DN nhà nước. Ví dụ, hiện chưa có một quy trình cổ phần hóa thống nhất khiến nhà đầu tư dù muốn cũng không dám đầu tư vào DN.
“Một nhà đầu tư nói với tôi rằng cách đây vài năm họ muốn mua một công ty nhưng công ty đó lại không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh. Họ cũng không thể gặp được lãnh đạo công ty đó. Đến khi công ty này thông tin đấu giá, thời gian được đưa ra cũng không rõ ràng, lại rất ngắn. Cuối cùng nhà đầu tư đành bỏ cuộc” - ông Dương kể.
Đại diện VinaCapital lưu ý về một trường hợp rất quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài bị mất niềm tin. Nguyên nhân, do thời gian gần đây một số DN nhà nước sau cổ phần hóa được Nhà nước kiểm toán lại, làm giảm giá trị sổ sách của công ty. Đây là bất ngờ mà không nhà đầu tư nào mong muốn.
“Nhà đầu tư luôn nghĩ rằng công việc kiểm toán phải hoàn tất trước khi cổ phần hóa. Họ mua cổ phần với niềm tin là giá trị sổ sách và lợi nhuận của DN tại thời điểm họ mua là chính xác. Nếu không làm tốt khâu này, nhà đầu tư sẽ có cảm giác bị hớ” - đại diện VinaCapital cảnh báo.
Có chủ nghĩa thân hữu khi cổ phần hóa TS Nguyễn Quang Trung TS Nguyễn Quang Trung, ĐH RMIT, nhận xét: Ngoài việc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước không muốn thực hiện cổ phần hóa thì quá trình và xu hướng cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước vẫn còn có sự do dự, chần chừ từ một số người, ảnh hưởng lớn đến các nhà hoạch định chính sách. Nghiên cứu của TS Trung về vấn đề này thậm chí còn chỉ ra cả “chủ nghĩa thân hữu” trong quá trình cổ phần hóa, định giá tài sản thì rất phức tạp. “Chính phủ cũng chủ trương khó đâu gỡ đó. Tuy nhiên, quy định chồng chéo, mới dừng lại ở các quy định khung mà thiếu cụ thể nên trong quá trình thực hiện DN thường phải hỏi ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành” - TS Trung phân tích. |