Đừng để phân cấp rồi TP.HCM vẫn phải xin từng chút

(PLO)- Nhiều chuyên gia đề xuất cụ thể về cơ chế mới thay thế Nghị quyết 54 nhằm tăng quyền tự chủ cho TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-7, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tọa đàm “Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54”. Các chuyên gia đã có nhiều góp ý cho nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Cho phép nhưng chưa được quyền chủ động

TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng kết quả thực hiện Nghị quyết 54 chưa đạt như kỳ vọng. Theo bà, nguyên nhân là do nhiều nội dung trong nghị quyết chưa được phân cấp triệt để.

“TP.HCM được cho phép nhưng chưa được quyền chủ động thực hiện, vẫn phải ra Trung ương xin thêm cơ chế” - bà nói.

TS Thái Thị Tuyết Dung và TS Trương Minh Huy Vũ nêu nhiều đề xuất xác đáng tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.TUYỀN

TS Thái Thị Tuyết Dung và TS Trương Minh Huy Vũ nêu nhiều đề xuất xác đáng
tại buổi tọa đàm.
Ảnh: T.TUYỀN

Bà dẫn chứng, Nghị quyết 54 cho phép TP được hưởng 50% tiền bán đấu giá đất và tài sản trên đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP. Nhưng thực tế không dễ bán tài sản công, phải qua quá nhiều thủ tục, phải được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án.

TP cũng chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành nguyên tắc thống nhất.

“Khi có sự khác nhau giữa nghị quyết và luật, nhiều trường hợp nghị quyết không được ưu tiên áp dụng. Thay vì xin cơ chế giải quyết những vấn đề riêng lẻ, trao quyền nhỏ giọt, cần kiến nghị cho phép HĐND TP.HCM được quyền quyết định bộ máy chính quyền, nhất là thành lập, giải thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc và quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp” - bà Dung gợi mở.

Cùng ý kiến, PGS-TS Nguyễn Anh Phong, Trường ĐH Kinh tế - Luật, đánh giá: Nghị quyết 54 để cho TP tăng quyền tự chủ, có ngân sách để hoạt động. Tuy nhiên, có những cái “cho cũng như không”. Đơn cử đối với thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, TP có cơ chế nhưng không dám tăng.

“Ví như tăng thuế lên nhà máy sản xuất bia thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chuyển nhà máy tới các tỉnh lân cận” - ông Phong dẫn chứng và cho rằng cơ chế phải thật sự đặc thù và TP phải được hưởng đặc thù đó.

TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM, đề xuất cơ chế của TP.HCM phải bằng hoặc vượt trội các đô thị đang đóng vai trò trung tâm kinh tế quốc gia; trao quyền tương ứng với trách nhiệm.

“TP được trao quyền lớn hơn, đồng nghĩa cam kết phải đóng góp cho cả nước; không dàn trải mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, gắn với việc thúc đẩy những thế mạnh của TP về thương mại, dịch vụ, tài chính, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thu hút nhà đầu tư lớn” - TS Vũ nêu ý kiến.

GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho rằng khi TP.HCM làm việc với các bộ, ngành về nghị quyết mới cần làm rõ, thống nhất các nội dung phân cấp trước khi ban hành. “Cái gì phân cấp được thì phân cấp luôn, không để ra đời rồi lại chạy đi xin từng cái, không biết mất bao nhiêu thời gian” - ông đề xuất và cho rằng phân cấp chính quyền đô thị cần dựa trên ba khía cạnh chính trị, hành chính và tài khóa.

Chú trọng vào nguồn lực cán bộ

PGS-TS Trần Ngọc Anh cho rằng để đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, TP.HCM phải trình bày với Trung ương trên quan điểm “win - win”, có nghĩa nếu để TP.HCM tắc nghẽn cả đất nước sẽ khó phát triển.

Theo ông, để TP.HCM đứng vững trên chuỗi giá trị toàn cầu, cần tập trung vào yếu tố quyết định là con người. Trong đó, quan trọng nhất là cán bộ. “TP.HCM đang phải giải quyết vấn đề cán bộ. Khi động lực ở khu vực công tê liệt thì không thể nói hệ thống kinh tế tư nhân có thể hoạt động, bởi hành chính công ngưng trệ” - ông chia sẻ và đưa ra giải pháp.

Thứ nhất, thu nhập cán bộ, công chức phải được đảm bảo. Việc tăng 80% so với mức lương trung bình vẫn còn quá thấp để thu hút người tài. Mặt khác, chỉ tăng lương là chưa đủ, phải có hệ thống đánh giá cán bộ để tiền lương tăng chảy vào đúng chỗ có năng lực nhất.

Cần xây dựng hệ thống chỉ số kết quả của từng sở, quận, phòng, xuống đến từng chuyên viên. Từ cách quản trị này sẽ có kết quả đánh giá cán bộ thực chất hơn và tạo động lực làm việc hiệu quả.

Cần phát huy tính chất đô thị của TP Thủ Đức

Theo TS Thái Thị Tuyết Dung, cần bổ sung quy định chi tiết về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức. Đây là đơn vị TP thuộc TP trực thuộc trung ương duy nhất hiện nay, gánh vác không chỉ trọng trách đô thị vệ tinh của vùng đô thị TP.HCM, cực tăng trưởng mạnh mẽ thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế, mà còn gánh trách nhiệm chứng minh tính hiệu quả của mô hình đơn vị hành chính TP thuộc TP trên cả nước.

Qua hơn 1,5 năm hình thành, chính quyền TP Thủ Đức vẫn là cấp huyện, chưa có sự đột phá. Thậm chí các thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức kéo dài thời gian hơn so với trước khi sáp nhập; chưa có sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền; chưa có cơ chế đột phá phát huy tính chất đô thị.

Để TP thuộc TP trở thành một cú hích pháp lý và phát triển đúng với nhiệm vụ, mục tiêu, kỳ vọng, cần thí điểm những thay đổi lớn dựa trên lý thuyết về tổ chức chính quyền đô thị.

“Có thể thí điểm cơ chế bầu trực tiếp người đứng đầu TP thuộc TP; HĐND TP thuộc TP được quyền quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh” - bà gợi mở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm