UBND TP.HCM vừa ra quyết định chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ kể từ ngày 28-10. Các cơ sở này phải đảm bảo một số điều kiện mới có thể hoạt động.
Ngoài việc đảm bảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, các cơ sở phải đóng cửa trước 21 giờ, phục vụ tối đa 50% công suất, không để khách sử dụng đồ uống có cồn
Doanh nghiệp F&B đã sẵn sàng
Trao đổi với PLO, đại diện tập đoàn Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho biết, cả hai hệ thống Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch và đảm bảo nhân lực, nguyên vật liệu để sẵn sàng mở cửa trở lại.
“Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch gồm quét mã QR code, toàn bộ nhân viên làm việc tại các cửa hàng đều có thẻ xanh, xét nghiệm định kỳ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước” - đại diện tập đoàn nhấn mạnh.
Tập đoàn này cho biết trong thời gian vừa qua, cả hai chuỗi hệ thống Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee đều triển khai hình thức bán mang về theo quy định của cơ quan chức năng.
Đồng thời, doanh nghiệp ra mắt dòng sản phẩm cà phê Success đóng chai mang đi, đáp ứng được nhu cầu nhanh-gon và an toàn mùa dịch.
Mặc dù vậy, tập đoàn vẫn gặp khó khăn khi suốt nhiều tháng liền đóng cửa. Việc mở cửa trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp có cơ hội quay trở lại hoạt động ổn định, góp phần phục hồi kinh tế.
Tương tự, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc của Starbucks Vietnam, cũng cho biết sẵn sàng mở cửa hoạt động trở lại bình thường và đáp ứng các điều kiện phòng dịch mà TP đưa ra.
"Tôi tin rằng chúng tôi có thể mở cửa và phục vụ theo điều kiện bình thường. Khó khăn chắc chắn sẽ có nhưng phần khó nhất chúng tôi cũng đã trải qua thì việc phục vụ tại chỗ không đáng lo ngại" - bà Patricia Marques chia sẻ.
Trước đó, ông Hà Bình Kha, chủ nhà hàng Hai Châu (Gò Vấp) cũng vui mừng dọn dẹp lại nhà hàng, gọi lại các mối thực phẩm để khởi động lại nhà hàng sau nhiều tháng đóng cửa.
Theo ông Kha sẽ có nhiều khó khăn, giai đoạn đầu khách chưa nhiều, nhà hàng chưa hoạt động hết công suất nên chưa chắc có lợi nhuận.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng ngưng kinh doanh thì việc chính quyền xem xét việc mở cửa cho doanh nghiệp bán tại chỗ là tín hiệu đáng mừng. "Mọi thứ đã tạm ổn, chỉ chờ giờ G là nhà hàng chạy thôi" - ông Kha nói.
Nhà hàng quán nhậu, quán bar vẫn phập phồng lo lắng
Là chủ của hai quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), anh Trần Văn V. cho biết anh chấp nhận mở cửa trở lại, phục vụ khách ăn tại chỗ và uống nước ngọt, nước lọc, nước hoa quả lên men, thay vì rượu, bia như trước đây.
“Tôi biết việc mở lại quán nhậu nhưng không được bán rượu, bia là thách thức đối với quán. Tuy nhiên, nếu không mở bán tại chỗ thì khó khăn càng nhiều hơn. Tôi tin rằng người dân TP cũng thèm cảm giác được ngồi ăn với bạn bè sau bao ngày xa cách dù có được uống rượu, bia hay không"- anh V. nói.
Nhà hàng, quán nhậu vẫn phập phồng lo lắng khi chưa được phục vụ thức uống có cồn. Ảnh: Nguyệt Nhi
Anh V. thắc mắc liệu quán có được bán các dòng sản phẩm bia không cồn hay không vì những thức uống này không gây say cho người uống.
Ông Nguyễn Thanh Tân, chủ nhà hàng Sài Gòn New (Tân Bình) chia sẻ: "Tôi nghĩ cơ quan chức năng chưa cho phép các cơ sở bán rượu bia trở lại là có lý do chính đáng và tôi đồng tình. Tuy nhiên vì chưa cho bán rượu bia nên quán cũng chưa mở lại được.
Theo tôi nên đồng bộ, tạm thời ngưng bán ở tất cả mọi địa bàn của TP chứ không thể cấm chỗ này lại cho mở chỗ kia. Làm như vậy gây khó cho chúng tôi trong việc đàm phán giảm tiền mặt bằng và tâm lý kinh doanh"- ông Tân bày tỏ.
Cũng theo ông Tân, hiện nay người kinh doanh nhà hàng như ông đang chịu áp lực lớn về tiền mặt bằng bởi các chi nhánh đều nằm ở vị trí "vàng" của quận.
Do đó, ông mong chờ thành phố sớm phủ kín hai mũi vaccine cho mọi đối tượng. "Tôi nghĩ chỉ khi tiêm đủ hai mũi thì mới tạm yên tâm để mở lại các hoạt động, vừa an toàn cho người bán lẫn người mua" - chủ nhà hàng Sài Gòn New nói.
Đại diện Tập đoàn Trung Nguyên Legend cũng cho rằng TP hiện chỉ cho hoạt động 50% công suất cùng nhiều điều kiện phòng dịch khác khi mở lại hoạt động kinh doanh tại chỗ sẽ là rào cản lớn cho phía doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và tạo sự thích ứng dần khi sống chung với dịch. Hơn nữa, chúng tôi sẽ coi đây là cơ hội để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh mới" - đại diện doanh nghiệp nói.
Trong khi đó, đại diện các quán bar, club vẫn nằm chờ "ngày trở lại" và tiếp tục bán... rau bởi mô hình hoạt động không đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí mà TP đề ra.
Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia dịch tễ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng nếu kiểm soát được nhân viên phục vụ, phòng ăn ở các nhà hàng đủ chuẩn phòng dịch, đảm bảo khoảng cách giữa các nhóm ăn uống thì việc cho bán tại chỗ nên thực hiện.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh điều kiện quan trọng nhất là tiêm vaccine đủ hai mũi cho các đối tượng nguy cơ.
"Lúc này không nghĩ đến khó khăn của người kinh doanh sao gọi là vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Nếu không mạnh dạn mở cửa thì sẽ lãng phí nỗ lực chích ngừa suốt thời gian qua" - bác sĩ Khanh đánh giá.