Hãng tin Reuters ngày 18-9 đưa tin Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) nhận định Liên minh châu Âu (EU) không nên tiếp tục gia hạn Brexit, trừ khi Anh đưa ra một đề xuất rõ ràng về cách thức giải quyết những bế tắc mà nước này đang gặp phải để tránh một "Brexit cứng".
"Sẽ không có cơ hội cho việc tiếp tục trì hoãn (Brexit) mà không có một lộ trình rõ ràng" - Giám đốc điều hành BDI, ông Joachim Lang, trả lời các phóng viên tại Berlin.
Ảnh minh họa. Nguồn: GETTY
Nếu chính phủ Anh yêu cầu tiếp tục gia hạn thời hạn nước này rời khỏi EU được kích hoạt theo quy định tại Điều 50 Hiệp ước Lisbon, yêu cầu đó phải bao gồm những thông tin hướng dẫn cụ thể về những gì nước này sẽ làm để tránh khỏi một "Brexit cứng".
Chỉ khi có một lộ trình rõ ràng và nhận được sự ủng hộ chắc chắn từ lưỡng viện, việc trì hoãn Brexit mới trở nên hợp lý. Nếu lệnh gia hạn không đi kèm một điều kiện nào, nó chỉ làm gia tăng tính bất ổn về kinh tế, ông Lang cho biết thêm.
Việc gia hạn thời hạn Brexit đến ngày 31-10 đã không khuyến khích những cuộc đối thoại chính trị, mà ngược lại, làm các công ty gặp phải những phí tổn không cần thiết khi xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa vào nhận định thời hạn Brexit là ngày 29-3 vừa qua.
"Việc trì hoãn vào phút cuối sẽ dẫn đến một cái giá rất đắt". Vị này tiếp tục: "Cách hành xử của chính phủ Anh đang gây ra nhiễu loạn. Đó là hành vi thiếu trách nhiệm và đang đùa với lửa".
Chưa có một kế hoạch khả thi nào để chính quyền Anh tránh khỏi một Brexit không có thỏa thuận nên các công ty buộc phải nhận định rằng "Brexit cứng" sẽ xảy ra vào ngày 31-10 tới, ông Lang nói. Tuy nhiên, đó sẽ là kịch bản xấu nhất đối với các công ty Đức.
Những công ty sản xuất phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Đức đang phải chịu thiệt hại từ hoạt động kinh doanh quốc tế không triển vọng giữa lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy giảm, còn các căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang theo chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Năm 2018, Anh là nhà nhập khẩu lớn thứ năm của Đức, chiếm 5% tổng giá trị hàng hóa mà những nhà sản xuất Đức xuất ra nước ngoài.