Đài CNBC cho biết chủ nhân tòa nhà số 10 phố Downing đã hứa hôm 5-9 rằng ông sẽ không bao giờ trì hoãn việc đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Ông Johnson cũng nói rằng ông “thà chiến đấu đến cùng” còn hơn là trì hoãn Brexit.
Sau khi kiểm soát được hạ viện vào hôm 4-9, một liên minh của các đảng đối lập và những người bị trục xuất khỏi đảng bảo thủ đã bỏ phiếu buộc ông Johnson phải tìm cách trì hoãn Brexit trong vòng ba tháng tới thay vì phải rời đi mà không đạt được thỏa thuận vào ngày 31-10.
Đây là thời hạn được EU đưa ra để Anh giải quyết thủ tục Brexit.
Khi được hỏi sau bài phát biểu hôm 4-9 với các học viên cảnh sát ở Wakefield liệu có đưa ra sự trì hoãn như vậy không, ông Johnson đã nói: “Tôi thà chiến đấu đến cùng”.
Thủ tướng Anh - ông Boris Johnson phát biểu trong buổi chất vấn của Hạ viện ở London, Anh ngày 4-9-2019. Ảnh: Reuters
“Việc trì hoãn sẽ không giúp ta đạt được gì cả. Vì sao lại phải trì hoãn” - ông Johnson nói thêm.
Trước bài phát biểu này vài ngày, Thủ tướng Anh đã phải đón nhận “hung tin” khi em trai ông là nghị sĩ Jo Johnson nộp đơn từ chức thứ trưởng Bộ Kinh doanh và Bộ Giáo dục.
Ông Jo Johnson tuyên bố rằng do cảm thấy khó khăn khi phải lựa chọn giữa lòng trung thành với gia đình và lợi ích quốc gia nên ông quyết định từ chức. Ông Jo Johnson là một người phản đối Brexit quyết liệt.
Gia đình của Thủ tướng Boris Johnson vốn nổi tiếng bởi sự chia rẽ quan điểm về vấn đề Brexit. Ông Boris Johnson nhất mực muốn Anh rời EU thì bà Rachel Johnson, chị gái của ông và là thành viên đảng “Thay đổi nước Anh”, có quan điểm chống Brexit. Ông Stanley Johnson, cha của Thủ tướng Anh và là cựu quan chức Ủy ban châu Âu, cũng phản đối Brexit.
Bài phát biểu tại một học viện cảnh sát ở Wakefield vốn sẽ là bước đầu tiên của chiến dịch vận động tranh cử của ông Boris Johnson. Tuy nhiên, kế hoạch này phải thay đổi sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu tối 4-9.
Việc các nghị sĩ bỏ phiếu trì hoãn Brexit đẩy ông Johnson vào tình thế bất lực. Kế hoạch Brexit của ông giờ không có lối thoát sau khi nhiều thành viên cùng đảng với ông hợp sức với phe đối lập để bỏ phiếu chống.
Hôm 3-9, ông Johnson đã trục xuất 21 nhà lập pháp này khỏi đảng bảo thủ vì đã không ủng hộ chiến lược của mình và bắt tay với đảng đối lập nhằm giành quyền kiểm soát Quốc hội. Những người này bao gồm cháu trai cố Thủ tướng Winston Churchill và hai cựu bộ trưởng tài chính.
Trong khi kỳ bầu cử tiếp theo tại Anh đang sắp đến gần, Brexit vẫn bị trì hoãn ba năm qua khi người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Các phương án Brexit chính được đưa ra bao gồm lựa chọn rời khỏi EU vào ngày 31-10 của ông Johnson và phương án của lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn về một cuộc trưng cầu dân ý mới với lựa chọn ở lại EU.
Quốc hội Anh sẽ họp lại vào ngày 9-9, sau khi dự luật trì hoãn Brexit được thông qua để phê chuẩn một cuộc bầu cử sớm.
Trong ba năm qua, cuộc khủng hoảng Brexit đã làm lu mờ các vấn đề khác của EU và làm giảm danh tiếng của Anh với vai trò là một trụ cột ổn định của phương Tây.