Tử vong tại đồn cảnh sát hay sau khi rời phòng tạm giam là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và dễ gây tranh cãi. Vấn đề này còn ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin và sự tín nhiệm của cộng đồng đối với lực lượng cảnh sát điều tra và thẩm vấn nghi phạm, tội phạm.
“Chết vì cảnh sát” ngày càng phổ biến
Theo trang Public Policy Exchange (Anh), trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, số lượng người chết liên quan đến sở cảnh sát hay các phòng tạm giam, phòng thẩm vấn ngày càng tăng, thu hút sự quan tâm của công chúng và giới truyền thông. Chỉ tính riêng tại Anh, theo BBC, có đến gần 1.000 người chết trong vòng 20 năm qua liên quan đến trại tạm giam ở sở cảnh sát.
Tại Mỹ, từ năm 2002 đến nay đã có hơn 24.000 trường hợp được cảnh sát triệu tập thẩm vấn, trong đó không ít trường hợp tử vong. Cái chết của nam thanh niên 25 tuổi Freddie Gray vào 19-4 vừa qua đã tạo ra làn sóng chỉ trích và hàng loạt dấu hỏi xung quanh quy trình giám sát và quản lý người bị tạm giam. Theo tờ The Baltimore Sun (Mỹ), trong vòng bốn năm (2010-2014), đã có hơn 100 người thắng kiện các vụ án liên quan đến nạn bạo hành trong trại tạm giam tại Mỹ. Một phân tích của tờ New York Times cho rằng còn rất nhiều trường hợp người dân “tử nạn” trong tay cảnh sát và giới chức điều tra, tuy nhiên dữ liệu không thể được tiết lộ ngoại trừ các vụ bê bối quá nổi tiếng xảy ra từ 2014 đến 2015 mới đây.
Áp dụng hệ thống ghi hình tại các phòng thẩm vấn vừa có lợi cho nghi phạm, vừa hữu ích cho cảnh sát. Ảnh: FORAY.COM
Thể chế hóa quy trình giam giữ, thẩm vấn
Nhiều quốc gia đã ban hành các bộ luật quy định về quy trình thẩm vấn và giam giữ nghi phạm, đảm bảo an toàn cho người bị giam giữ đến mức cao nhất. Điển hình như Anh, Mỹ, Úc… đã liên tục hoàn thiện các bộ quy tắc hướng dẫn và các điều luật đảm bảo an toàn chốn phòng giam cho mọi người.
Các bộ luật xoay quanh các vấn đề: Quy trình, cách thức bắt giữ và hộ tống đến phòng giam; tập huấn và cải thiện phản ứng cảnh sát một cách hiệu quả trước mọi tình huống; tăng cường và đảm bảo tính minh bạch trong suốt quá trình giam giữ; xác định và giám sát người bị giam giữ dễ bị tổn thương; phối hợp cảnh sát, nhân viên chăm sóc sức khỏe và các ngành khác đảm bảo người bị giam giữ an toàn tuyệt đối với sức khỏe lẫn tinh thần…
Tại Anh, vào tháng 3-2012, dựa trên báo cáo và các đề xuất từ tổ chức Ủy ban Khiếu nại Cảnh sát Độc lập Anh (IPCC) và Tổ chức các nhà tù HMI, Hiệp hội Cảnh sát trưởng của Anh (ACPO) đã hoàn chỉnh bộ “Hướng dẫn an toàn giam giữ ở khu tạm giam tại sở cảnh sát” nhằm nỗ lực giảm thiểu các trường hợp tử vong liên quan lực lượng chấp pháp.
Đến năm 2013, Ban tư vấn Độc lập về vấn đề tử vong tại phòng tạm giam của Anh (APDC) đã xuất bản bộ quy định các nguyên tắc cơ bản đảm bảo an toàn cho các đối tượng bị tạm giam. Theo đó, APDC yêu cầu các nhân viên công vụ phải được tập huấn cách quản lý người bị tạm giam và các nguyên tắc nghiệp vụ đảm bảo an toàn sức khỏe, thân thể, tính mạng cho người bị tạm giam. APDC còn đưa ra các quy định quan trọng trong việc giám sát, thẩm vấn và lấy lời khai của người bị tạm giam, đảm bảo việc báo cáo của các nhân viên công vụ là trung thực và chính xác.
Đến tháng 7-2014, IPCC công bố thông tin số trường hợp tử vong trong phòng tạm giam đã giảm xuống mức kỷ lục, thấp nhất trong thập niên qua. Tuy nhiên, IPCC vẫn chưa hết lo ngại vì số lượng tử vong “ngoài ý muốn” liên quan giới chức trách cảnh sát vẫn còn lớn.
Ghi âm và ghi hình: Lợi cả đôi bên
Việc nghi phạm chết trong phòng tạm giam hoặc liên quan đến khâu điều tra xuất phát từ nhiều lý do chứ không phải chỉ vì “nắm đấm phạm pháp” của cảnh sát. Ví dụ như nhiều trường hợp tử vong vì sốc, vì đau tim, vì bệnh hiểm nghèo… Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc giám sát quy trình bắt, thẩm vấn và giam giữ một cách minh bạch sẽ đảm bảo lòng tin từ dư luận đối với lực lượng chấp pháp.
Tại Mỹ, tất cả bằng chứng, đặc biệt là lời khai của nghi phạm và báo cáo của nhân viên điều tra đều phải được thẩm định và đánh giá. Tháng 6-2014, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã thực hiện một chính sách mới có tầm ảnh hưởng rộng và tích cực liên quan đến việc bắt giữ và thẩm vấn nghi phạm, tội phạm. Cơ quan này đã bắt đầu ghi âm tất cả cuộc thẩm vấn với người bị tạm giam. Theo trang Reason.com, chính sách này quy định FBI, Cơ quan Bài thuốc (DEA), Cục Rượu, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF) và Cục Cảnh sát Mỹ (USMS) phải ghi âm lời khai tất cả cá nhân bị giam giữ. Chính sách này vừa đảm bảo các nhân chứng hay nghi phạm sẽ không thể lắt léo khi khai, vừa bảo vệ người bị giam giữ trước những cáo buộc hoặc sự ép cung, vu khống từ phía nhân viên điều tra.
Ngoài ra, cảnh sát Mỹ còn sử dụng máy ghi hình (có thu âm thanh) trong các cuộc thẩm vấn từ các vụ án đơn giản đến phức tạp. Tương tự ghi âm, việc ghi hình vừa giúp nghi phạm không dính các trận đòn của cảnh sát, hay dễ gặp nhất là tình trạng bức cung. Bên cạnh đó, việc ghi hình thẩm vấn còn giúp cảnh sát tránh những vu khống hành hung, ép cung người bị giam giữ. Cục trưởng Cảnh sát điều tra TP Syracuse ở tiểu bang New York Shawn Broton nhận định ghi hình là một biện pháp để bảo vệ mọi người tham gia. “Chúng tôi nghĩ đó là một giải pháp tuyệt vời, không chỉ đảm bảo an toàn cho người bị giam giữ mà còn cho cả giới chức trách chúng tôi” - Shawn Broton kết luận.
Các phòng thẩm vấn của cảnh sát Mỹ được trang bị máy ghi âm, ghi hình kèm theo hệ thống giám sát. Phòng giám sát tách biệt với phòng thẩm vấn, được kết nối hệ thống âm thanh lẫn hình ảnh để bên thứ ba có thể giám sát cả thẩm vấn viên lẫn người bị thẩm vấn, đảm bảo quy trình thẩm vấn đúng chuẩn.
Tương tự Mỹ và nhiều nước khác, Úc cũng quy định băng ghi hình các cuộc thẩm vấn cảnh sát với người bị giam giữ là minh chứng thuyết phục nhất cho tính công bằng, đảm bảo lời khai của nghi phạm không bị cảnh sát ép buộc hay tra tấn. Ủy ban châu Âu về ngăn ngừa tra tấn cho biết hệ thống ghi hình nội bộ (CCTV) ngày càng được các nước trên thế giới, trong đó có Úc ưa chuộng và áp dụng vào việc điều tra, phá án. Cũng như Mỹ và châu Âu, Úc cho rằng một băng ghi hình được xem là một cơ sở quan trọng cung cấp thông tin chi tiết và chính xác tuyệt đối cho hồ sơ vụ án, qua đó vừa giúp cảnh sát tránh nghi án ngược đãi người bị giam và nghi phạm cũng không thể bị bức cung, nhục hình.
Không ghi hình, bằng chứng bị hủy Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, các cuộc thẩm vấn không được ghi hình đều xem như không mang tính hiệu lực trước tòa. Năm ngoái, nhờ băng ghi hình mà trường hợp Craig Owens (Mỹ) bị buộc tội giết người được cứu. Craig Owens đã yêu cầu được gặp luật sư của anh ta bảy lần trong cuộc thẩm vấn kéo dài sáu tiếng. Thông qua băng ghi hình, tòa án kết luận lời khai của Craig Owens không được chấp thuận theo biên bản cảnh sát vì lý do yêu cầu gặp luật sư của Craig Owens không được viên chức điều tra tôn trọng. Trong luật pháp của Úc, một trong những chuẩn mực cơ bản của lời khai chính là bản ghi âm. Nước này ghi rõ “tất cả cuộc thẩm vấn không được ghi hình đều không được tòa án chấp thuận về mặt pháp lý”. Các rủi ro cần lưu ý Mặc dù hệ thống giám sát bằng máy ghi hình sẽ mang lại nhiều hệ quả tích cực cho cả nghi phạm lẫn cảnh sát, tuy nhiên nó có thể dẫn đến việc vi phạm quyền riêng tư của công dân được quy định trong hiến pháp của nhiều quốc gia. Vậy nên cơ quan chức năng khi lắp máy quay phải có quy trình và bộ hướng dẫn, đảm bảo hình ảnh và âm thanh ghi được chỉ phục vụ cho mục tiêu điều tra và làm chứng trước tòa. Ngoài ra, các quá trình chọn máy quay, ghi hình, lưu dữ liệu và bảo vệ dữ liệu đều phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt để mang về hiệu quả tối ưu nhất. |