Giá dầu quay đầu tăng sau khi Trung Quốc nới COVID-19

(PLO)- Giá dầu dự kiến tăng mạnh khi các nguồn cung khả năng sẽ giảm còn nhu cầu lại tăng do nhiều yếu tố, nổi bật là việc Trung Quốc mở cửa lại.

Trong phiên giao dịch hôm 27-12 (giờ địa phương), giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần gần đây, theo ghi nhận của trang tin OilPrice. Cụ thể, dầu brent chuẩn quốc tế tăng 0,55% lên gần 84,38 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng lên mức cao nhất là 80 USD/thùng.

Một dây chuyền lắp ráp ô tô ở TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) hồi tháng 10. Ảnh: CHINA DAILY

Một dây chuyền lắp ráp ô tô ở TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) hồi tháng 10.

Ảnh: CHINA DAILY

Các yếu tố nào đẩy giá dầu tăng?

Giá dầu tăng trong bối cảnh nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - Trung Quốc (TQ) đưa ra một số thay đổi mới trong chiến lược phòng chống COVID-19, mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - thương mại. Trả lời đài CNBC mới đây, Phó Chủ tịch Công ty tài chính S&P Global (Mỹ) Daniel Yergin dự đoán “nếu TQ vượt qua thành công đại dịch COVID-19 thì nước này sẽ nhanh chóng đẩy nhu cầu trên thị trường năng lượng tăng vọt bởi các hoạt động kinh tế bắt đầu xuất hiện thường xuyên trở lại”.

Trong khi đó, ngày 27-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm bán dầu cho bất cứ bên nào áp giá trần lên dầu Nga, theo đài RT. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1-2 đến 1-7-2023. Trước đó, ngày 24-12, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết nước này có thể sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000-700.000 thùng/ngày vào đầu năm 2023 để đáp trả việc phương Tây áp giá trần.

Một yếu tố nữa là thực tế gián đoạn nguồn cung dầu ở Mỹ do bão tuyết mùa đông. Nhiều chuyên gia lo ngại việc tổng hòa các yếu tố: Nga cắt giảm sản lượng, sự gián đoạn nguồn cung dầu ở Mỹ trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ở TQ được dự báo sẽ tăng trở lại có thể sẽ tác động đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Theo tạp chí Forbes, TQ có thể đóng góp tới 60% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm sau. Chỉ riêng việc thị trường TQ tái kết nối với phần còn lại của thế giới cũng sẽ giúp giảm bớt nhiều rủi ro đối với kinh tế toàn cầu.

Giá dầu có thể tăng mạnh trong thời gian tới

Đến khoảng cuối quý I - đầu quý II năm sau, S&P Global dự báo nhu cầu dầu thô TQ có thể tăng lên 15,7 triệu thùng một ngày, tức là tăng hơn 700.000 thùng so với năm 2022. Trong khi hầu hết giới phân tích kinh tế và quản lý tài sản đều đồng ý khả năng suy thoái toàn cầu năm sau là rất cao bởi các ngân hàng trung ương vẫn đang trên đà thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì việc TQ tăng nhu cầu dầu sẽ là động lực chính thúc đẩy thị trường năng lượng.

Theo dự đoán của ông Yergin thì giá dầu thô có thể chạm mốc 121 USD/thùng trong năm nay trước những động thái cởi mở hơn từ TQ. Tuy nhiên, việc tăng kịch tính sẽ phải cần khung thời gian dài hơn, trong khoảng 1-2 tháng tới giá về cơ bản vẫn sẽ quanh mức 90 USD/thùng đối với dầu brent.

Chủ tịch Quỹ tư vấn đầu tư Annandale Capital (Mỹ) George Seay khẳng định với hãng tin Kitco News rằng ngành năng lượng sẽ tăng trưởng tốt trong năm sau và giá dầu sẽ dao động 80-120 USD/thùng. Theo ông, nếu nhu cầu dầu tăng thêm 1-3 triệu thùng dầu mỗi ngày, nguồn cung có thể không đủ đáp ứng và điều đó sẽ khiến đẩy giá dầu tăng cao.

Ông Seay dự đoán thế giới sẽ sớm trải qua siêu chu kỳ trong ngành năng lượng khi mà nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu từ các thị trường mới nổi và giá tăng rất nhanh.

“Chính quyền Mỹ đang cố gắng giảm nguồn cung để kiểm soát giá thị trường ở thời điểm mà kinh tế TQ hoạt động lại và kinh tế toàn cầu bắt đầu tăng trưởng lại. Chắc chắn nhu cầu năng lượng sẽ tăng cao hơn và siêu chu kỳ sẽ kéo dài 3-5 năm tới” - ông Seay nhấn mạnh.•

Viễn cảnh Trung Quốc trong năm tới

Theo OilPrice, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10-2022, các nhà máy lọc dầu của TQ đã xử lý ít hơn 1,8 triệu thùng mỗi ngày - thấp hơn so với dự đoán năm năm hồi năm 2015. Trong cùng thời gian đó, TQ cũng đã sản xuất được 0,6 triệu thùng nhiên liệu máy bay mỗi ngày, giảm so với con số 1,1 triệu vào năm 2019.

Những con số này cho thấy mức độ tác động của đại dịch COVID-19 lên nhu cầu năng lượng ở TQ và lượng cầu chỉ có thể tăng lại lần nữa nếu TQ thành công vượt qua đại dịch. Cùng với việc cởi mở chiến lược phòng chống dịch, quá trình tái thiết hậu COVID-19 của nước này đã khởi động và câu hỏi lớn nhất lúc này là nhu cầu năng lượng của TQ sẽ phục hồi nhanh như thế nào.

Theo dữ liệu từ Bộ GTVT TQ, những thay đổi phòng chống dịch ngay lập tức đã kích hoạt vận tải đường bộ và đường hàng không TQ tăng trưởng lần đầu tiên sau gần hai tháng. Số lượng xe tải lưu thông trên đường cao tốc đã phục hồi vào tuần trước lên gần bằng mức cùng kỳ năm 2019. “Với tốc độ mở cửa trở lại tại TQ, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu năng lượng tại nước này sẽ trở về mức bình thường vào cuối tháng 3-2023, nhanh hơn dự đoán trước đó là tháng 5-6” - một báo cáo của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) nhận định.

Còn theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Variflight (TQ), lượng hành khách nội địa tại đại lục hằng tuần đã tăng 68% lên 3,7 triệu lượt, mức tăng lớn nhất kể từ kỳ nghỉ tết Nguyên đán vào tháng 2. Tuy nhiên, con số đó vẫn thấp hơn 37% so với một năm trước đó và thấp hơn 68% so với năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm