Từ đầu hẻm khu phố 1 (thị trấn Bến Cầu, Tây Ninh), cháu gái của người giữ xe dẫn tôi băng qua nhiều cánh đồng mới vào được nhà ông Trần Văn Lến. Hầu hết người dân ở đây đều biết gia đình ông Lến có ba người con bị tâm thần. Mang tiếng ở khu phố nhưng nhà ông Lến chưa có điện vẫn phải dùng đèn dầu.
Từng người con lần lượt phát điên
Người đầu tiên phát bệnh là chị Trần Thị Hồng, con gái thứ tư của ông bà, năm nay 30 tuổi. Trước khi phát bệnh, Hồng là một thiếu nữ xinh xắn, ngoan ngoãn. Không ngờ năm 16 tuổi, Hồng có nhiều biểu hiện lạ, xé đồ đạc, đập phá… Rồi Hồng trở nên hung dữ, điên loạn, gặp gì cũng đập phá. Hồng đánh cả cha mẹ, tự làm mình bị thương... Vợ chồng ông Lến phải xích chính đứa con gái tội nghiệp của mình vào gốc cây để tránh việc Hồng gây hại người khác.
Một thời gian sau, con trai đầu của ông Lến là Trần Văn Diện (sinh năm 1974) cũng bị bệnh. Bình thường, anh hiền như cục đất, nói chuyện với ai cũng bẽn lẽn như con gái. Nhiều người mướn anh đi làm vì anh chăm chỉ, hiền lành. Bỗng dưng, một bữa anh lên cơn điên, đập phá lung tung, đánh cả cha mẹ và các em. Ông bà Lến phải nuốt nước mắt nhốt Diện lại vì sợ anh gây họa. Điều trị một thời gian, anh Diện xin cha mẹ thả mình ra để anh phụ cha đi chăn bò, mót lúa. Nhưng anh Diện đi đâu, ông Lến cũng không yên tâm, phải kèm theo sát. Anh Diện nói với chúng tôi: “Ổng bả khổ với anh em tui quá”.
Ông Trần Văn Lến đã già yếu nhưng là trụ cột chính trong gia đình có ba người con bị tâm thần. Ảnh: NH
Người con trai út của ông Lến là Trần Văn Út (sinh năm 1993), trắng trẻo thư sinh, hay mắc cỡ, rụt rè. Một bữa, Út bỗng phát bệnh, cầm dao rượt chém cha mẹ mình. Trong ba người con bị bệnh của ông Lến, khi Út lên cơn là biểu hiện hung dữ nhất nên ông Lến phải xích Út và “biệt giam” trong một căn phòng nhỏ xíu chưa tới 5 m2.
Thấy có người đến thăm, Út mắc cỡ lấy mền trùm kín mặt, thỉnh thoảng thò đầu ra cười với khách. Được tặng bánh kẹo, Út hớn hở cảm ơn rồi quay vô tường bóc kẹo ăn. Khi tôi đưa một ít tiền cho Út để dành mua kẹo, Út không lấy vì “cái này không ăn được”. Rồi Út xịu mặt như một đứa trẻ con, mếu máo nói: “Em bị cột chân rồi”.
Mờ mịt tương lai
Bà Lê Thị Định (vợ ông Lến) phải ở nhà để trông coi những đứa con tâm thần. Bà Định buồn bã cho biết bà cực hơn cả trông trẻ nhỏ, chỉ lơ là một chút là có chuyện. Hồng không thể tự vệ sinh cho mình được, khổ nhất là những ngày chu kỳ trong tháng, cô làm dây bẩn khắp người. Thương con, bà Định thả Hồng ra, chỉ xích lại khi Hồng lên cơn. Nhưng có lần Hồng lên cơn bất chợt, bà trở tay không kịp, bị Hồng đánh đến bị thương.
Anh Trần Văn Diện khi giảm bệnh đã phụ cha đi chăn bò, mót lúa. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Còn người con trai tên Út bị xích 24/24 vì khi lên cơn Út rất hung dữ, một mình bà Định không chống đỡ nổi. Thế nhưng lúc hết cơn, Út cũng biết làm nũng, năn nỉ mẹ thả mình ra. Thời gian gần đây, anh Diện đã bớt bệnh và hiểu được hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình nên rất tự giác uống thuốc. Anh dặn cha mẹ: “Cứ nhốt tui lại, đừng để tui gây ra chuyện”. Anh xin đi làm mướn nhưng ít người dám nhận. Anh tự tay gánh vác nhiều việc: cắt cỏ cho bò, đi mót lúa, hái rau đem bán… Nước lên, anh cùng cha đi giăng lưới, bắt cá, mót lúa lo cái ăn cho cả nhà năm miệng ăn. Mọi người lại thấy anh hiền như cục đất.
Hai người con còn lại của vợ chồng ông Lến may mắn khỏe mạnh, đã có gia đình. Họ thay phiên nhau về phụ giúp mẹ đưa các anh em đi khám bệnh. Nhưng có lúc họ cũng đành chịu bởi họ cũng rất nghèo và khó khăn.
Căn nhà cũ của ông Lến, bà Định chẳng có gì ngoài mấy đống củi lộn xộn, chồng xoong nồi và mớ quần áo cũ. Một nhà hảo tâm đã xây tặng gia đình ông bà một căn nhà tình thương (thay thế túp nhà tạm trước đó), có hai phòng nhỏ để giữ mấy người con tâm thần.
May mắn là gia đình ông Lến đang hưởng chế độ 300.000 đồng/tháng dành cho mỗi người con bị bệnh, tổng cộng cũng được 900.000 đồng. Số tiền đó bà Định để dành trang trải tiền xe đưa các con đi khám bệnh. Ông Lến và Diện hằng ngày kiếm được gì cả nhà ăn nấy.
Ông Lến cho biết hai bên nội ngoại không có ai bị tâm thần, không biết tại sao mọi tai ương lại đổ hết lên gia đình nhỏ của ông. “Có bệnh thì vái tứ phương”, ông từng mời cả thầy cúng về “làm phép” mong cứu mấy đứa con khỏi bệnh nhưng vô vọng. “Tui bây giờ không dám hy vọng gì nữa, chỉ mong mình đủ sức khỏe để lo cho tụi nó. Nhưng vợ chồng tui cũng già rồi…” - ông Lến bỏ lửng câu nói.
Ông Lến năm nay đã 67 tuổi, thân hình gầy gò của ông đổ rũ về phía trước. Trong khi những đứa con ăn tối trong góc nhà tối om, ông Lến ngồi ở bậc cửa thẫn thờ đợi vợ đưa con gái đi tái khám về...
NGUYỄN HOÀNG