Dưới tác động của hiện tượngEl Ninonăm nay, nhiều vùng trồng lúa, mía không có đủ nước sản xuất, dẫn đến sản lượng dự kiến có thể giảm trong năm nay và cả năm sau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lúa gạo và đường toàn cầu, theo tờ The Guardian.
Tình cảnh của bà Thongpoon Moonchansong ở tỉnh Uttaradit (Thái Lan) là một điển hình về tác động của hiện tượng El Nino. Thông thường vào giữa tháng 8, cánh đồng của bà Thongpoon đầy nước và cây lúa mọc cao tới đầu gối. Nước thường nhiều đến mức nếu thả lưới xuống ruộng có thể kéo cá, cua lên để ăn.
Tuy nhiên, năm nay, mọi chuyện đã khác. Mưa vẫn xuất hiện ở tỉnh Uttaradit nhưng không nhiều như các năm trước. Con kênh cạnh nhà bà Thongpoon cũng khô cạn. Những điều này khiến gia đình bà Thongpoon từ bỏ hy vọng về một vụ mùa bội thu.
“Thường thì mưa to, kênh sẽ ngập. Năm nay không có nước. Chúng tôi phải gieo hạt trên đất khô. Nếu bây giờ trời mưa nhiều thì cũng không có ý nghĩa gì, vì thời điểm lúa phát triển để cho năng suất cũng đã qua rồi” - con gái bà Thongpoon nói.
Nhiều người làm nông nghiệp khác tại châu Á cũng rơi vào tình trạng tương tự gia đình bà Thongpoon.
Giá đường tăng vọt
Giá đường trên toàn thế giới đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do hiện tượng El Nino khiến thời tiết khô hạn bất thường, gây thiệt hại cho vụ mùa mía đường ở Ấn Độ (nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới) và Thái Lan (nước xuất khẩu đường lớn thứ ba thế giới). Điều này khiến nguồn cung toàn cầu giảm.
Theo hãng tin AP, đây là đòn đánh mạnh vào thị trường các quốc gia đang phát triển, trong khi các nước này đối mặt với việc thiếu hụt các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra, điều này có thể khiến tình trạng lạm phát lương thực thêm trầm trọng.
Ông Fabio Palmeri - chuyên gia thị trường hàng hóa toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) - cho biết FAO dự đoán sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ giảm 2% so với niên vụ 2022-2023. Điều này có thể khiến sản lượng đường toàn cầu giảm khoảng 3,5 triệu tấn.
Brazil là nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vụ thu hoạch mía đường của nước này vẫn đang gặp nhiều khó khăn và dự kiến đến cuối năm 2024, sản lượng đường của nước này mới đạt được mức đỉnh điểm.
Theo AP, từ đây cho đến lúc đó, các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu đường sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Abba Usman là một người buôn đường ở Nigeria. Cách đây 1 tuần, ông Usman mua bao đường 50 kg với giá 66 USD, nhưng giờ giá tăng lên mức 81 USD. Giá tăng đồng nghĩa khách hàng của ông ngày càng ít đi.
“Giá tiếp tục tăng mỗi ngày và chúng tôi không biết tại sao” - ông Usman nói.
Trên thực tế, nguyên nhân của vấn đề này một phần là do hiện tượng El Nino, khiến thời tiết toàn cầu trở nên khắc nghiệt và khó lường hơn.
Tại Ấn Độ, nhiều khu vực đã trải qua tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ qua. Thời tiết khắc nghiệt khiến mùa màng ở bang Maharashtra (phía Tây Ấn Độ) - nơi chiếm hơn 1/3 sản lượng mía đường của nước này - bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, sản lượng đường của Ấn Độ có thể giảm 8% trong năm nay. Trước tình hình này, Ấn Độ đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu đường.
Trong khi đó, ông Naradhip Anantasuk - lãnh đạo Hiệp hội những người trồng mía Thái Lan - cho biết ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm thay đổi không chỉ số lượng mà còn cả chất lượng vụ thu hoạch mía đường năm nay.
Ông Anantasuk ước tính trong năm 2024, Thái Lan sẽ thu hoạch được 76 tấn mía có thể dùng làm đường, ít hơn so với 93 triệu tấn dự kiến trong năm 2023.
Giá đường tăng cũng khiến các nhà nhập khẩu lớn cân nhắc quyết định mua đường của mình.
Ông Palmeri cho biết Indonesia - nhà nhập khẩu đường lớn nhất thế giới trong năm 2023 - đã cắt giảm nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc - nhà nhập khẩu đường lớn thứ hai thế giới trong năm 2023 - đã phải giải phóng đường từ kho dự trữ của mình để giúp ổn định giá đường trong nước.
Thị trường gạo lao đao
Hiện tượng El Nino cũng khiến thị trường gạo lao đao. Theo hãng tin Bloomberg, hiện tượng El Nino khiến nhiều nhà nhập khẩu gạo lo ngại, trong bối cảnh Ấn Độ điều chỉnh quy định xuất khẩu gạo.
Theo đó, hiện tượng El Nino có thể khiến sản lượng lúa gạo giảm. Cùng với việc một số nước giảm xuất khẩu, sản lượng lúa gạo giảm sẽ khiến nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn, từ đó đẩy giá gạo lên cao.
Tại châu Á, nhiều quốc gia đã đưa ra cảnh báo về tác động El Nino đối với vụ mùa lúa gạo năm nay.
Indonesia cảnh báo sản lượng sẽ bị ảnh hưởng nhẹ. Nước này cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu thêm ngũ cốc trong năm 2023 và năm 2024, đồng thời cho biết sản lượng ngũ cốc năm 2023 của nước này có thể giảm 1,2 triệu tấn. Sản lượng lúa của Indonesia dự kiến đạt 54,5 triệu tấn trong năm 2023, thấp hơn so với năm 2022.
Trong khi đó, Philippines đã đưa ra biện pháp hỗ trợ cho người trồng lúa để đối phó với tình hình thời tiết phức tạp. Chính phủ nước này cũng đã áp trần giá gạo để bảo vệ những người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia Philippines gọi hiện tượng El Nino là “kẻ gây rối lớn” và cảnh báo nước này có thể đối mặt “thời kỳ khó khăn” trong giai đoạn tới.
Ông Muhamad Shakirin Mispan - PGS tại Viện Khoa học Sinh học thuộc ĐH Malaya (Malaysia) - cho biết: “Nhiều loại cây trồng, đặc biệt là những cây trồng phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng El Nino”.
Ông Mispan cũng cho biết sản lượng lúa gạo tại các nước xuất khẩu chủ lực giảm sẽ “tác động đáng kể đến nguồn cung gạo toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng đến Đông Nam Á mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới”.
Trong khi đó, ông Joseph Glauber - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (Mỹ - trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) - cho rằng gạo là một mặt hàng đặc biệt.
Ông Glauber lý giải các quốc gia chỉ dùng một phần nhỏ trong tổng số gạo sản xuất được mang đi xuất khẩu. Do đó, khi các nước sản xuất gạo chủ lực hạn chế xuất khẩu, lượng gạo trên thị trường có thể thiếu hụt.