Liên Hợp Quốc cảnh báo các nước chuẩn bị đối phó El Niño

(PLO)- Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo các nước chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan và nhiệt độ cao do El Niño gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) - cơ quan phụ trách thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước của Liên Hợp Quốc - xác nhận hiện tượng El Niño đã bắt đầu. Tổ chức này cũng cảnh báo các nước phải chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn và nhiệt độ kỷ lục trong những tháng tới, theo đài CNN.

Tổng thư ký WMO - ông Petteri Taalas cho biết: “El Niño sẽ làm tăng khả năng các kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ và gây ra mức nhiệt cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới và trong đại dương”.

Hiện tượng El Niño được dự đoán có thể làm gia tăng hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng ở Úc và một số vùng của châu Á. Ảnh: BLOOMBERG

Hiện tượng El Niño được dự đoán có thể làm gia tăng hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng ở Úc và một số vùng của châu Á. Ảnh: BLOOMBERG

Ông Taalas cảnh báo tuyên bố này của WMO “là tín hiệu cho các chính phủ trên khắp thế giới huy động các biện pháp chuẩn bị, để hạn chế các tác động đối với sức khỏe, hệ sinh thái và nền kinh tế”.

Tổng thư ký WMO khuyến nghị để đảm bảo an toàn và sinh kế cho người dân, các chính phủ phải thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết bất ổn tiếp theo trong năm nay.

Theo CNN, El Niño là kiểu khí hậu tự nhiên ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, khiến nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn mức trung bình. Hiện tượng này có ảnh hưởng lớn đến thời tiết trên toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng tỉ người.

Theo WMO, hiện tượng El Niño mạnh và sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã khiến năm 2016 trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo hiện tượng El Niño lần này có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ vào năm 2016.

WMO dự đoán El Niño sẽ tiếp tục hoành hành trong nửa cuối năm 2023 ở cường độ vừa phải. Hiện tượng này làm lượng mưa tăng lên ở các vùng phía nam Nam Mỹ, miền Nam nước Mỹ, vùng Sừng châu Phi và Trung Á. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể làm gia tăng hạn hán nghiêm trọng, sóng nhiệt và cháy rừng ở Úc, Đông Nam Á, một số vùng ở Nam Á, Trung Mỹ và phía bắc Nam Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm