Giá nhà tăng qua các năm
"Xu hướng chung năm 2015-2019: Thị trường BĐS TP.HCM sôi động, giá cả tăng cao trên tất cả các phân khúc", ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát số 3 của Quốc hội với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 tại trụ sở UBND TP.HCM.
Theo ông Khiết, tới năm 2020-2021, thị trường BĐS chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá cả chững lại hoặc giảm nhẹ và đến 2022-2023 thì thị trường dần hồi phục, giá nhà ở bắt đầu tăng trở lại.
Cụ thể, giá chung cư tăng liên tục từ 2015 đến 2023, với mức tăng trung bình khoảng 15-20% mỗi năm. Năm 2015-2019 căn hộ chung cư tăng đều đặn mỗi năm, dao động từ 2535 triệu đồng/m2 (bình dân) đến 50-70 triệu đồng/m2 (cao cấp), năm 2020-2021 chững lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, giá chung cư có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ.
Đến năm 2022-2023: giá căn hộ chung cư bắt đầu hồi phục và tăng trở lại, đặc biệt là phân khúc cao cấp và trung cấp với vị trí đẹp, tiện ích đầy đủ, mức giá dao động từ 35-50 triệu đồng/m2 (trung cấp) đến 70-100 triệu đồng/m2 (cao cấp), theo báo cáo của UBND TP tại buổi làm việc.
Trong động thái mới nhất, các tổ chức nghiên cứu, khảo sát BĐS đã có báo cáo về tình hình BĐS 6 tháng đầu năm 2024, như báo cáo của CBRE Việt Nam cũng thông tin giá bán trên thị trường căn hộ sơ cấp (chủ đầu tư mở bán) tiếp tục đà tăng nhẹ, tăng khoảng 3% theo quý và 6% theo năm, đạt trên 63 triệu đồng/m2.
Ngoài căn hộ chung cư, báo cáo UBND TP cũng thông tin giá nhà phố cũng tăng liên tục trong giai đoạn này (từ 2015 đến 2023), tuy nhiên mức tăng có phần thấp hơn, khoảng 10-15% mỗi năm.
TP.HCM cần tận dụng tốt Nghị quyết 98
"Thị trường bất động sản của TP có quy mô lớn nhất cả nước, ngoài việc nỗ lực để đạt các chỉ tiêu về nhà ở xã hội thì TP đã quan tâm, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, quyết tâm xóa đi tư tưởng cho rằng nhà ở xã hội là nhà ở giá rẻ, có chất lượng thấp", ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, thị trường BĐS của TP cũng như nhiều địa phương trong cả nước có nhiều bất cập; trong thời gian 9 năm (2015 - 2023), TP chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư được 44 dự án mới, không quá 7 dự án mỗi năm; tỉ trọng hoạt động kinh doanh BĐS trong GRDP của TP ngày càng giảm; giá BĐS tăng, chênh lệch đáng kể giữa các khu vực, ông Hải nêu.
Trình tự, thủ tục đầu tư các dự án bất động sản kéo dài, nhiều dự án gặp khó khăn do vướng mắc về pháp lý; thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác; nhiều dự án qua nhiều năm không xác định được nghĩa vụ tài chính về đất…, phó chủ tịch Quốc hội tiếp tục viện dẫn thông tin.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, trao cho Thành phố 44 cơ chế, chính sách đặc thù trên 7 lĩnh vực, nhằm giúp TP tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, trong đó có các cơ chế đặc thù về phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, tại các kỳ họp thứ 7 (5/2024), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi một số điều Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các Tổ chức tín dụng để các Luật này có hiệu lực sớm hơn, thi hành từ ngày 1-8 nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay trong đó có tháo gỡ cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
"Do đó, đề nghị TP khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các luật. Tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này. Đây là 2 lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp", ông Hải đề nghị.
Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội thì cho rằng qua các báo cáo đã cho thấy TP quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tương đối tốt về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, TP đã tập trung ban hành thể chế theo thẩm quyền của mình, bên cạnh đó, TP cũng góp ý rất nhiều để hoàn thiện thể chế về quản lý BĐS, nhà ở của các bộ ngành liên quan.
"TP có 257 dự án nhà ở cũng góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, cũng tăng nguồn thu ngân sách, cải thiện diện mạo đô thị của TP.HCM, TP cũng có rất nhiều cách làm sáng tạo như có quỹ cho người thu nhập thấp vay với mức lãi suất thấp để giúp người dân mua được nhà ở", ông Cường nói.
"Thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển với những thành phố lớn như TP.HCM, trong thời gian qua, với sự phát triển rất nhanh của thị trường BĐS, đã xuất hiện nhiều bất cập như việc phát triển nhà ở xã hội là một nhu cầu rất lớn của người dân nhưng gặp nhiều vướng mắc", ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói thêm.
Theo ông Nghị, các báo cáo của TP.HCM sẽ giúp ích rất nhiều cho Bộ Xây dựng trong việc xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung, lĩnh vực nhà ở và nhà ở xã hội nói riêng.
"Bộ Xây dựng cũng có nhiều lần trao đổi văn bản với TP.HCM để tháo gỡ, giải quyết các kiến nghị của TP.HCM, các kiến nghị của TP cũng là cơ sở quan trọng để Bộ Xây dựng hoàn thiện và trình Quốc hội về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và sắp tới là 5 nghị định hướng dẫn về 2 luật này", ông Nghị thông tin.