Giá nhiều mặt hàng ngoài chợ tăng mạnh: Bà nội trợ, nhà kinh doanh xoay sở đủ kiểu

(PLO)- Nhiều hàng hóa tăng giá khiến người bán lẫn nhà vườn tìm mọi cách xoay sở.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chưa hết tháng 9, cô Hồng, tiểu thương tại chợ Phạm Văn Bạch (Gò Vấp, TP.HCM), than thở giá rau củ đã tăng 20% – 30% so với tháng trước đó. Nhiều loại còn không đủ hàng để bán.

Nhiều hàng hóa tăng giá

Chỉ mới ngày 25-9, nói với PLO, giá sỉ một bó rau cải loại 3 kg tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng, sau 3 ngày cô Hồng cho biết đã tăng thêm 2.000 đồng, tức 52.000 đồng/bó 3 kg.

Khảo sát giá rau tại nhiều chợ truyền thống như Lê Văn Sĩ (quận 3), chợ Phạm Văn Bạch, chợ Thạch Đà (Gò Vấp), chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình)… nhiều loại rau củ như rau muống, bắp cải, rau họ cải, ớt… đang âm thầm đổi giá.

Đơn cử bông thiên lý tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/lạng lên 17.0000 đồng/lạng, rau muống 15.000 đồng/kg, dưa chuột từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, bắp cải Đà Lạt từ 15.000 đồng/kg tăng 20.000 đồng/kg, mướp đắng tăng từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg

Rau xà lách cũng tăng 5.000 – 10.000 đồng, dao động mức 45.000 đồng/kg đối với hàng nguyên cây, riêng loại xà lách búp của Đà Lạt có giá từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, bí xanh lên mức 40.000 đồng/kg.

Ngay cả những điểm bán hàng rong, vốn bán đồng giá 5.000 đồng/bó các loại rau muống, rau lang, rau đay nay cũng tăng lên 8.000 đồng/bó.

Không chỉ rau xanh, thịt heo và cá nuôi cũng ruủ nhau leo dốc. Theo thống kê của chợ đầu mối Bình Điền, giá thịt heo mảnh về chợ đang ở mức 83.000 đồng/kg đối với loại 1 và 76.000 đồng/kg đối với loại 2, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 8.

Giá heo mảnh tăng kéo theo giá bán lẻ về chợ cũng neo mức 160.000 đồng/kg đối với ba chỉ, sườn non có giá từ 170.000 – 180.000 đồng/kg, cốt lết 100.000 đồng/kg, thịt đùi, vai có giá 130.000 đồng/kg...

Một số loại cá nuôi như điêu hồng khi giá bán lẻ ở các chợ truyền thống và siêu thị đã tăng lên 75.000-100.000 đồng một kg, loại 1 kg trở lên, và 65.000 đồng/kg đối với cá dưới 800 gram. Cá lóc cũng dao động 65.000 – 75.000 đồng/kg.

Giá tăng do nguồn cung sụt giảm

Trao đổi với PLO, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức thông tin, một số loại rau về chợ đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nên giảm nguồn cung, nhưng cầu lại lớn khiến giá tăng.

Đơn cử như cải ngọt, ngò rí, su su... hàng về ít, tiêu thụ nhanh, giá tăng từ 1.000 - 10.000 đồng/kg. Trong khi, các loại rau khác hầu hết giữ nguyên giá so với 7 ngày trở lại đây.

Dù vậy, theo thông tin vị này cung cấp, nếu so với hồi đầu tháng 9, giá của các loại rau hầu hết đã tăng, nhiều loại đã tăng chóng mặt. Đơn cử quả bầu, giá hôm 2-9 là 6.000 đồng, ngày 3- 9 là 10.000 đồng, và tính tới ngày 26-9, giá về chợ là 13.000 đồng. Hay mướp đắng, tăng từ 12.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg… Dẫu vậy, trong tháng 9 vẫn có nhiều mặt hàng không biến động giá dưa leo, cà rốt Đà Lạt, một số quả như bưởi, cam, dưa hấu...

HÀNG HÓA TĂNG GIÁ
Mưa nhiều khiến một số loại rau tăng giá do nguồn cung giảm. ẢNH: THU HÀ

Tương tự, đại diện chợ đầu mối Bình Điền cũng nhìn nhận, giá thịt heo mảnh về chợ có tăng nhẹ so với hồi cuối tháng 8. Tuy nhiên nguồn cung về chợ hàng ngày vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Nguyên nhân khiến giá thịt heo mảnh về chợ tăng có thể là sau cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các trang trại nuôi heo ở phía Bắc, khiến nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu luôn có. Nhiều đơn vị đã tích cực vận chuyển hàng ra bắc, do đó kéo theo giá ở khu vực phía Nam cũng tăng nhẹ.

Một nguyên nhân khác, có thể đến từ các trang trại nuôi heo hiện nay khi nguồn cung thịt heo giảm, người dân ít tái đàn, dịch bệnh vẫn còn tái diễn, và giá heo giống cũng có xu hướng tăng.

Loại trừ lý do thời tiết, theo đại diện Ban quản lý của 1 chợ thuộc quận Tân Bình, nhiều hàng hóa tăng giá như cá, thịt tăng còn do chi phí thức ăn nguyên liệu tăng trong khi diện tích nuôi lại giảm. Điều này cũng khiến cho giá bán lẻ cõng thêm nhiều chi phí.

Tìm cách xoay sở

Là một người nội trợ, chị Thu Huyền (Gò Vấp) cho biết, để đảm bảo chi tiêu cho gia đình 4 người, nhưng chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập từ lương chồng, chị cùng vài người bạn đã chọn cách đi chợ đầu mối để mua thực phẩm.

HÀNG HÓA TĂNG GIÁ
Hàng hóa tăng giá, bà nội trợ chọn cách đi chợ đầu mối. ẢNH: THU HÀ

Đồng thời tận dụng khuyến mãi ở siêu thị để mua các mặt hàng dầu gội, nước giặt... Với trái cây hàng ngày, chị chọn mua loại "mùa nào thức nấy", để giá ổn định mà dinh dưỡng tốt nhất.

Trong khi đó, ở góc độ nhà vườn, ông Trần Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An tại Bình Chánh, TP.HCM, cho biết, mỗi ngày HTX phải cung ứng 800 kg – 1 tấn rau ra thị trường. Do đó, đơn vị này phải đang nỗ lực mọi cách để đảm bảo nguồn cung và giá cả, dù thời tiết thất thường khiến nhiều loại rau bị úng, hư hại.

“Hiện tại chúng tôi ưu tiên trồng các loại rau ít bị ảnh hưởng bởi mưa. Với các loại rau như rau cải, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chúng tôi phải tăng cường chăm sóc, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá thành bình ổn, vừa lợi cho bà con nông dân, vừa giữ mối với các bếp ăn, siêu thị, cửa hàng rau củ…”- ông Thích nói.

Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organica (chuỗi siêu thị hữu cơ) cũng thừa nhận, vì đặc thù là trồng rau organic và có kế hoạch ứng phó với thời tiết nên công ty luôn chia nhỏ từng vùng trồng, sao cho phù hợp với mỗi loại rau.

“Đơn cử trong đợt cơn bão số 3 đổ bộ miền Bắc, hai vườn trồng khu vực này bị hư hại nặng nề, công ty đã nhanh chóng vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc, còn rau nào thì tiêu thụ rau nấy và nhanh chóng trồng lại rau xanh ngắn ngày. Hiện tại vườn nhiệt đới ở Đồng Nai cũng bị hư hại nhiều do mưa kéo dài, chúng tôi bù đắp nguồn cung từ vườn ôn đới Lâm Đồng, và chia sẻ cho các khu vực tỉnh thành có chuỗi siêu thị.

Về giá bán, vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn tăng khuyến mãi để kích cầu sức mua”- bà Thảo chia sẻ.

Tương tự, đại diện chuỗi Bách Hóa Xanh nhìn nhận, nguồn cung một số loại rau củ đang thiếu hụt do ảnh hưởng thời tiết. Tuy nhiên về giá bán, đơn vị này luôn đảm bảo mức cạnh tranh so với thị trường, thậm chí nền giá của một số mặt hàng còn thấp hơn thị trường.

“Về giải pháp ổn định giá và nguồn cung, chúng tôi tăng cường đa dạng nguồn cung từ nhiều khu vực để đảm bảo sự ổn định hàng hóa cũng như giá cả, tránh những biến động do tác động của thời tiết cũng như những yếu tố bất lợi của thị trường”- vị này chia sẻ.

Chuỗi này cũng tích cực thực hiện nhiều chương trình giảm giá như giảm giá thịt, cá, rau, quả sau 19 giờ với các mức giảm từ 20 – 50% tùy sản phẩm. Với chương trình này, nhiều người dân đang được tiếp cận với giá mua lời hơn so với thông thường.

Cũng theo đại diện Bách Hóa Xanh, các sản phẩm giảm giá sẽ tạo ra kích cầu tiêu dùng, đồng thời duy trì chính sách “đảm bảo thực phẩm tươi sống chỉ bán trong ngày” của chuỗi.

Sau cơn bão số 3 đổ bộ tại miền Bắc và mưa kéo dài ở miền Nam đã gây ra sự xáo trộn về giá ở một số mặt hàng như rau, củ quả, thịt, cá. Dù việc tăng này có thể xảy ra cục bộ ở một số nơi nhất định.

Vì vậy theo tôi, để ngăn chặn đà tăng, các địa phương cần hợp tác và luân chuyển điều phối về nguồn cung.

Khuyến khích tăng gieo trồng các loại rau củ ngắn ngày, mùa nào thức nấy để đáp ứng nhu cầu về rau, củ cho người dân. Đây cũng là cách phục hồi nhanh nhất, và giảm được đà tăng hiện nay.

Bên cạnh giải pháp như ổn định nguồn cung và giá cả trong nước, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì để đảm bảo kiểm soát tốt được lạm phát. Đồng thời cũng hạn chế được hiện tượng nhập khẩu lạm phát.

Về cơ bản, tôi hi vọng và hoàn toàn có cơ sở để cho rằng mức lạm phát vẫn duy trì ở mức dự báo 3,8 – 4.1%.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế.

Phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá

Theo Bộ NN&PTNN, bão số 3 vừa qua đã làm lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại nặng nề: hơn 200 nghìn ha lúa bị ngập úng; 50.642 ha hoa màu bị ngập úng; 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 26 nghìn con gia súc, gần 3 triệu con gia cầm bị chết.

Sau bão số 3, Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan giám sát, phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường. Nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp.

“Kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu”, công văn của Bộ Công thương nhấn mạnh.

Bộ Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho các địa phương; ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng; các thương nhân không được đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm