Giá vàng SJC sẽ hết tăng sốc, trở về mặt đất nhờ gia tăng nguồn cung?

(PLO)- Với nguồn cung vàng miếng sẽ được đưa thêm ra thị trường trong thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ khó có các cú sốc như thời gian qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để nguồn cung vàng có thể đáp ứng nhu cầu thị trường và không ảnh hưởng đến an ninh tài chính tiền tệ là bài toán mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tính toán rất cẩn trọng.

Tăng cung, kéo giá vàng xuống đất

NHNN vừa cho biết sẽ tăng nguồn cung vàng miếng nhằm xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trên thị trường.

Hiện giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới từ 12-13 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc lên đến 20 triệu đồng/lượng. Chưa hết, giá vàng SJC được đẩy lên mức cao chưa từng thấy trong lịch sử khi đạt đỉnh 85 triệu đồng/lượng.

Những đợt tăng sốc giá vàng SJC đều nằm ở nguyên nhân giá vàng thế giới lập đỉnh kỷ lục. Hơn nữa, người tiêu dùng có xu hướng đi mua vàng lúc giá cao càng tạo ra lực đẩy liên tục cho giá vàng SJC.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt quan trọng nằm ở việc thiếu hụt nguồn cung vàng khiến giá vàng tăng vọt và quá đắt đỏ so với giá vàng quốc tế.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, giá vàng SJC sẽ hạ nhiệt khi NHNN đưa thêm nguồn cung vàng ra thị trường, đồng thời sẽ giải quyết chuyện chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, cách để bình ổn giá vàng là có thêm nguồn cung vàng. Khi đó giá vàng giảm nhiệt, chênh lệch vàng thu hẹp sẽ giải quyết được chuyện hạn chế nhập lậu vàng, vốn đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ giá trong thời gian vừa qua.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cũng cho rằng, với thông điệp NHNN đưa cung vàng ra thị trường sẽ khiến người dùng thay đổi hành vi mua bán vàng. Thay vì mua vào ồ ạt, giờ đây họ sẽ đưa vàng ra bán nhằm tận dụng thời điểm giá còn cao. Với lượng lớn vàng được tung ra sẽ làm cho tốc độ tăng của giá vàng SJC chậm lại và quay đầu giảm.

giá vàng
Thêm nguồn cung vàng, giá vàng SJC có thể không còn chênh lệch quá cao với giá vàng thế giới.

Thực tế, vào ngày 12-4, giá vàng SJC đạt đỉnh 85 triệu đồng. Cũng trong ngày hôm đó, ngay khi có thông tin NHNN sẽ cung vàng để bình ổn thị trường, giá vàng SJC ngay lập tức lui về vùng giá 84 triệu đồng và sau đó là vùng giá 83 triệu đồng/lượng, tức giảm đến 2 triệu đồng trong một ngày.

“Tôi cho rằng khi người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp được thông tin về nguồn cung vàng sắp đưa ra thị trường, họ sẽ có xu hướng chờ đợi để quan sát. Khi lực mua vàng trong giai đoạn này tạm dừng, cân bằng cung cầu sẽ thiết lập mức giá giảm.

Khi giá vàng SJC hạ nhiệt, nó cũng sẽ khiến phân khúc vàng nhẫn và vàng thương hiệu khác sẽ giảm, thu hẹp khoảng chênh lệch vốn khá cao trước đó với giá vàng thế giới” – chuyên gia tài chính Trần Đình Phương đánh giá.

Rào cản phía trước

Theo giới phân tích, dù giảm nhưng để giá vàng SJC giảm tương đương vàng nhẫn và các thương hiệu vàng miếng khác sẽ rất khó. Điều này nằm ở chỗ thương hiệu vàng SJC vẫn độc quyền.

Đồng thời, hiện chỉ có một nhóm doanh nghiệp đáp ứng điều kiện mới được kinh doanh vàng SJC, do đó độc quyền nhóm vẫn đủ khả năng chi phối giá bán trên thị trường.

Mặt khác, NHNN chắc chắn phải nhìn vào tỉ giá, lãi suất, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và rất nhiều biến số khác để "liệu cơm gắp mắm" khi tăng nguồn cung vàng miếng ra thị trường.

Do đó, khó có chuyện NHNN sẽ đổ nguồn cung vàng ồ ạt ra thị trường để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Nhìn chung, giá vàng SJC sẽ giảm nhưng biên độ giảm sẽ không lớn.

Chưa hết, Nghị định 24/2012 có quy định, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh vàng miếng nếu đáp ứng vốn điều lệ tối thiểu 100 tỉ đồng, có ít nhất ba chi nhánh ở ba địa phương khác nhau và đóng thuế 2 năm liên tiếp trên 500 triệu đồng...

Theo ông Trần Thanh Hải, chỉ những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng đáp ứng điều kiện này. Do đó, dù có thêm nguồn cung vàng chưa chắc giải quyết được chênh lệch giá vàng.

"Vấn đề độc quyền thương hiệu vàng SJC cũng phải được bãi bỏ, và cho phép nhiều doanh nghiệp hơn được tham gia giao dịch vàng SJC. Khi có nhiều người bán, nguồn cung dồi dào hơn sẽ giảm chi phí giao dịch, hình thành được một cái giá cả bình quân, từ đó giảm áp lực chênh lệch giá vàng", ông Hải nói.

hinh 5 2 2.jpg
NHNN nên cho phép nhiều doanh nghiệp hơn tham gia giao dịch vàng SJC.

Cùng góc nhìn, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, bên cạnh thêm nguồn cung vàng cần bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, đồng thời cho phép thêm nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vàng SJC.

Vì hiện nay để đáp ứng quy định Nghị định 24, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn mới đủ điều kiện, do đó sẽ hình thành độc quyền nhóm đủ khả năng chi phối giá vàng trên thị trường. Điều này có nghĩa bên cạnh việc tăng nguồn cung cần xóa bỏ độc quyền mới giúp chênh lệch giá vàng giảm một cách ổn định dài hạn.

Hài hòa lợi ích các bên

Theo các chuyên gia, để có nguồn cung vàng thì phải nhập vàng, tức sẽ tiêu tốn dự trữ ngoại tệ, nên hết sức cân nhắc việc này, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, NHNN phải chắt chiu ngoại tệ để ưu tiên cho những mục tiêu đem lại tăng trưởng nền kinh tế.

Do đó bình ổn giá vàng cũng phải tính đến phương án không để người dân chạy theo vàng, một nguồn lực bị cất trong két sắt dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Sự lệch pha này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Để giá vàng giảm mạnh trong dài hạn, cần phải giảm tính hấp dẫn của vàng cũng như gia tăng sức hút các kênh đầu tư khác.

NHNN cũng cần xem xét việc lập sàn vàng theo hướng mua bán chứng chỉ vàng như các giao dịch chứng chỉ quỹ ETF trên sàn chứng khoán, cũng là một cách hữu hiệu và tiện ích nhất. Vì nó sẽ giải quyết tổng hợp các yếu tố như thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, giảm chi phí giao dịch và không phải tốn nhiều ngoại tệ nhập vàng, để rồi người dân lại mua vàng đó vào cất trong két sắt.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN khẳng định, đối với thị trường vàng miếng sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới.

Với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ sẽ tiếp tục được tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để phục vụ xuất khẩu.

NHNN cũng phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.

"Chúng tôi sẽ thực hiện ngay công tác nắm tình hình, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ và quyền hạn được giao, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, các hành vi trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng" - ông Hà cho biết.

NHNN cho biết, đối với Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), NHNN đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ mới đây ban hành Thông báo số 160 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.

Khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm