Phim kinh dị, giả tưởng cũng không so nổi với độ phức tạp của công cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan, chuyên gia lặn Anmar Mirza, điều phối viên Ủy ban Lặn cứu hộ quốc gia (Mỹ), nhận định về công tác giải cứu đội bóng nhí.
“Đây là tình huống đáng sợ nhất mà một người có thể trải qua. Quý vị không thể làm được bộ phim kinh dị nào có thể so sánh được… Tôi đã tham gia cứu hộ trong hang động cả 30 năm nay và thậm chí không thể nghĩ đến một tình huống có thể phức tạp thế này” - CBS News dẫn lời ông Mirza.
Các thợ lặn vào hang động Tham Luang bắt đầu chiến dịch giải cứu đội bóng nhí lúc 10 giờ sáng 8-7. Ảnh: AP
Theo ông, yếu tố chính làm nên sự thành công cho chiến dịch giải cứu - tính tới thời điểm này với bốn thành viên đội bóng được cứu ra - là “niềm tin giữa bọn trẻ và các thợ lặn cứu hộ”, mang tính quyết định đến 90%.
Tổng cộng có đến 90 thợ lặn tham gia giải cứu - ngoài 40 thợ lặn Thái Lan còn có 50 thợ lặn các nước. Trong sáu ngày, kể từ khi tìm thấy đội bóng nhí còn sống vào khuya 2-7, các thợ lặn đã thay phiên mang thức ăn, nước uống, thuốc men, thư từ cha mẹ các em từ bên ngoài vào chăm sóc cho các em cả về thể chất và tinh thần.
“Tin tốt là giai đoạn giải cứu đầu đã thành công, từ đó cho thấy cách làm việc có hiệu quả. Tuy nhiên, nguy hiểm vẫn còn rình rập với công tác đưa các cậu bé còn lại ra ngoài” - theo ông Mirza.
Hai thợ lặn người Anh là những người đã tìm thấy đội bóng nhí đầu tiên khuya 2-7. Ảnh: GUARDIAN
Chuyên gia lặn Edd Sorenson thuộc tổ chức phi lợi nhuận lặn và cứu hộ quốc tế (Mỹ) chia sẻ với CBS News các thách thức mà đội cứu hộ đang phải đối mặt. Nguy hiểm nhất là mực nước trong hang động, đặc biệt khi các cậu bé không biết bơi, không có kinh nghiệm lặn, bên trong lại không có ánh sáng.
Các thợ lặn đã làm việc xuyên ngày đêm mong giải cứu toàn bộ đội bóng nhí ra ngoài. Ảnh: BANGKOK POST
Giao tiếp cũng là một vấn đề khi đội 90 thợ lặn thuộc nhiều quốc gia khác nhau, theo ông Sorenson.
“Giao tiếp trong nước là điều cực kỳ khó khăn. Đó là một trong những điều quan trọng mà chúng tôi dạy trong các khóa dạy lặn trong hang động. Mọi người không thể nói. Vì thế mọi thứ phụ thuộc vào các tín hiệu bàn tay. Nhưng trong hoàn cảnh tầm nhìn bằng 0 như trong hang động thì có thể nói để giao tiếp được với nhau là điều rất khó” - theo chuyên gia Sorenson.
Theo ông, điều cốt yếu với các cậu bé và cả các thợ lặn là phải giữ được sự bình tĩnh.
“Xử lý được các tình huống căng thẳng là một trong những vấn đề lớn nhất với rất nhiều thợ lặn trong hang động. Đó là lý do tại sao một người chỉ được phép thực hiện cuộc lặn trong hang động khi ít nhất đã được 18 tuổi”.
Lặn trong hang động là công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Ảnh: ROYAL THAI NAVY
Cũng theo ông Sorenson, địa hình riêng biệt của mỗi hang động cũng khiến công việc lặn trong hang động khó khăn hơn.
“Mỗi hang động đều khác nhau. Đó không chỉ là một đường hầm. Rủi ro chồng chất rủi ro. Khi tầm nhìn bằng 0, bạn phải dựa vào một sợi dây chỉ đường. Nếu lạc sợi dây này, bạn có thể sẽ không bao giờ thoát ra được”.
Chiến dịch giải cứu bắt đầu lúc 10 giờ sáng 8-7. Tính đến khuya cùng ngày đã có bốn thành viên trong đội bóng được giải cứu. Một trong bốn thành viên là huấn luyện viên 25 tuổi Ekapol Chantawong, ba thành viên kia là ba cầu thủ nhí. Theo Bangkok Post, Ekapol được cứu ra vì sức khỏe quá yếu do đã nhịn ăn, nhường hết thức ăn, thức uống cho các cậu bé trong suốt hơn chín ngày trước khi đội bóng được tìm thấy.