Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên phóng cùng lúc bốn tên lửa đạn đạo. Hàn Quốc và Mỹ đạt thỏa thuận triển khai tên lửa THAAD trên đất Hàn Quốc vào tháng 7-2016. Kế hoạch đáng lẽ sẽ hoàn tất triển khai vào cuối năm nay nhưng tiến trình đã được rút ngắn vì lo ngại từ Triều Tiên ngày càng tăng.
Tên lửa THAAD do Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin Corp của Mỹ sản xuất, được thiết kế đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung ở tầm cao giai đoạn cuối của quá trình phóng, lúc tên lửa mục tiêu đã bắt đầu hướng xuống mặt đất. Khác các tên lửa đánh chặn thông thường được thiết kế tiếp cận sát tên lửa mục tiêu và tự phát nổ để hủy hoại hoặc làm chệch hướng tên lửa thì tên lửa THAAD đâm thẳng vào mục tiêu và phá hủy mối đe dọa ngay trên không. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng khẳng định tên lửa THAAD không mang đầu đạn.
Ngày 7-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) đã lên tiếng kiên quyết phản đối Mỹ triển khai tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Từ trước đến nay, TQ luôn cực lực phản đối triển khai lá chắn tên lửa THAAD trên đất Hàn Quốc. Các chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho rằng hệ thống này sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và hủy hoại cân bằng an ninh khu vực. Theo chuyên gia quân sự Rod Lyon tại Viện Chính sách chiến lược Úc, điều thật sự khiến Bắc Kinh lo ngại là năng lực giám sát của THAAD có thể cung cấp dữ liệu tình báo cho các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo khác của Mỹ. Qua đó triệt tiêu năng lực tấn công phủ đầu của tên lửa TQ trong trường hợp có chiến tranh với Mỹ.
Theo ông Lyon, tên lửa THAAD có thể khiến Mỹ chiếm ưu thế rất lớn trước TQ trong thế trận tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hiện nay Mỹ đã có một hệ thống THAAD ở đảo Guam, hai hệ thống radar tên lửa ở Nhật Bản, nhiều hệ thống radar dọc Thái Bình Dương. Triển khai THAAD ở Hàn Quốc sẽ giúp Mỹ phát hiện tên lửa phóng từ TQ sớm hơn nhưng không giúp đẩy nhanh quá trình đánh chặn.
Chuyên gia Trương Bảo Huy tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, ĐH Lĩnh Nam (Hong Kong), cho rằng TQ trong nhiều năm qua đã cố lái Hàn Quốc khỏi quỹ đạo của Mỹ. Tuy nhiên, với việc Hàn Quốc chấp nhận để Mỹ triển khai tên lửa THAAD thì các toan tính chiến lược của Bắc Kinh đã thất bại. Thực tế tên lửa THAAD đã hiện diện tại Hàn Quốc và việc vận hành chỉ còn là vấn đề thời gian.