Trả lời chất vấn sáng 14-7 tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa X, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP có những chia sẻ về tình trạng lừa đảo qua mạng.
Ông Viên cho hay, lừa đảo qua mạng và tín dụng đen là những vấn đề nhức nhối. Sáu tháng đầu năm 2022, Công an TP Đà Nẵng nhận được 16 tin báo tố giác bị khủng bố đòi nợ.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng. Ảnh: NGÔ QUANG |
Qua điều tra, công an đã khởi tố hai vụ, bắt hai người về các tội sử dụng mạng viễn thông tổ chức lừa đảo, sử dụng tài khoản thông tin cá nhân trái phép trên không gian mạng.
“Trong 16 vụ việc khủng bố đòi nợ, khi công an xác minh, các đối tượng sử dụng sim rác nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn, kẻ lừa đảo hầu hết là người ngoại tỉnh”, ông Viên nói.
Theo ông Viên, cách đây hai ngày, Công an TP Đà Nẵng bắt sáu người từ Hà Nội vào Đà Nẵng mở tài khoản ngân hàng bằng căn cước công dân giả. Các đối tượng này nằm trong nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho hay, nhiều vụ việc khi điều tra thì sự phối hợp giữa các ngân hàng, nhà mạng có vấn đề, không kịp thời hỗ trợ cho công an.
“Có nhiều vụ phát hiện đối tượng lừa đảo, tiền vẫn còn trong tài khoản của một ngân hàng nhưng liên hệ thì các ngân hàng phối hợp rất chậm. Sau đó khoảng nửa tiếng thì các đối tượng chuyển qua khoảng 30 ngân hàng khác. Ngân hàng cuối cùng là các đối tượng rút tiền hoặc tiền đã chuyển ra nước ngoài”, ông Viên cho hay.
Do đó, ông Viên cho rằng nếu có sự phối hợp nhanh, nhịp nhàng giữa các ngân hàng thì sẽ phong tỏa được tiền. Rất nhiều trường hợp không phong tỏa kịp, không giữ được tiền.
Cũng theo tướng Viên, Công an TP Đà Nẵng đã cảnh báo rất nhiều về tình trạng lừa đảo qua mạng nhưng người dân vẫn bị lừa. Giải pháp đưa ra hiện nay là hai ngày đăng báo một lần, cảnh báo các phương thức thủ đoạn lừa đảo qua mạng để người dân phòng tránh.