Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đây là những hành khách đầu tiên về TP.HCM từ những nước có dịch Ebola được giám sát ngoài cộng đồng. Mục đích khảo sát của Sở Y tế TP.HCM là nhằm đánh giá công tác chuẩn bị, triển khai hoạt động giám sát cộng đồng của địa phương… để rút kinh nghiệm. Từ đó chuẩn hóa quy trình giám sát cho hiệu quả.
Những hành khách đầu tiên từ vùng dịch
Bà LTXM (quận 9) cho biết bà cùng chồng (người Ý) đi cùng chuyến bay và ngồi gần hàng ghế với hai hành khách Nigeria. Về tới nhà, lo ngại mức độ nguy hiểm của Ebola nên bà chủ động gọi đường dây nóng để tư vấn. “Khi biết tôi và chồng không bị sốt, không có biểu hiện bất thường nên người tư vấn khuyên an tâm. Khi nào bị sốt hãy đến cơ quan y tế gần nhất để được chăm sóc” - bà M. nói.
Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức cho biết khi nhận được thông tin một hành khách (nam giới) về nhà từ quốc gia có dịch Ebola, trung tâm tiến hành xác minh. Anh này làm cho công ty Nhật, được cử đến Liberia công tác và sống trong địa phương có dịch bệnh. Sau đó anh ta cùng một số người được công ty cho về Việt Nam vào ngày 19-8. Đến sân bay Tân Sơn Nhất, một người trong đoàn có biểu hiện sốt nên tạm bị giữ lại, những người khác về nhà. “Chúng tôi hướng dẫn anh này nếu có những biểu hiện bất thường như sốt cao, tiêu chảy, đau cơ… thì đến cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi” - vị đại diện nói.
BS Nguyễn Hữu Hưng trao đổi hoạt động giám sát cộng đồng với Trung tâm Y tế dự phòng quận 9. Ảnh: TRẦN NGỌC
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết những người đang giám sát hiện nay thuộc nhóm nguy cơ thấp vì chỉ sống trong quốc gia có dịch Ebola, hoàn toàn không tiếp xúc người mắc bệnh. “Trong trường hợp này, y tế dự phòng tư vấn, hướng dẫn họ tự theo dõi sức khỏe, điền những thông tin vào phiếu sức khỏe, hằng ngày liên lạc với nhân viên y tế địa phương để báo cáo tình trạng sức khỏe trong 21 ngày kể từ khi rời khỏi nước có dịch” - BS Dũng nói.
Hai trường hợp nghi nhiễm Ebola đã hết sốt
Chiều 20-8, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, người phát ngôn của Bộ Y tế cho biết hai hành khách Nigeria nghi nhiễm virus Ebola được cách ly theo dõi, đến sáng 20-8 hai người này không còn dấu hiệu sốt, không có biểu hiện gì bất thường cũng như không phát hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh Ebola.
Như Pháp Luật TP.HCMthông tin, chiều 19-8, hai hành khách trên đến Việt Nam qua chuyến bay số hiệu QR964 của hãng hàng không Qatar Airway. Máy đo thân nhiệt tại khu vực ga quốc tế đến Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã phát hiện hai hành khách Nigeria có biểu hiện sốt nhẹ 37,5-38 độ C. Ngay lập tức, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thực hiện cách ly, khử khuẩn và làm thủ tục tờ khai y tế. Cả hai trường hợp được Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan đưa vào khu cách ly của BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Việc cách ly hai hành khách trên được thực hiện ở mức độ cao nhất như đối với bệnh nhân mắc Ebola thực sự.
Ông Phu cho biết căn cứ vào tình hình sức khỏe của hai hành khách trên, Bộ Y tế trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ thống nhất không tiến hành cách ly tại bệnh viện mà thực hiện chuyển sang các biện pháp theo dõi giám sát tại cộng đồng trong vòng 21 ngày tại nơi lưu trú kể từ khi hai trường hợp này xuất phát từ vùng có dịch.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết nhiệt độ hiện tại của hai hành khách Nigeria bình thường, không có biểu hiện bệnh. Hai hành khách nói trên đã xuất viện trong chiều 20-8.
TRẦN NGỌC - HUY HÀ - DUY TÍNH
Ngày 20-8, Cục Y tế dự phòng cho biết tại các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola thông qua sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa. Đối với các cửa khẩu tiểu ngạch sử dụng máy theo dõi thân nhiệt cầm tay tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định. Tỉnh triển khai việc khai báo y tế tại cửa khẩu với người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch. Để phòng bệnh do virus Ebola, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Hạn chế đi đến các nước đang có dịch. Nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm. Ông TRẦN ĐẮC PHU, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng |