Trước đại dịch COVID-19, thường thì bộ phận người giàu là những người hay di chuyển nhất, giờ thì ngược lại trở thành bộ phận người ít di chuyển nhất. Trong khi đó, trước đại dịch bộ phận người nghèo vốn là những người ít di chuyển nhất so với tần suất di chuyển của người giàu thì giờ lại là những người di chuyển nhiều nhất.
Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ). Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ các thiết bị điện tử xác định vị trí di động trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, nhằm tìm hiểu việc thực hiện giãn cách xã hội ở Mỹ khác nhau giữa các người không cùng mức thu nhập thế nào.
Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ở nhà hoàn toàn của bộ phận người có thu nhập thuộc hàng cao nhất tăng khoảng 25%, so với chỉ 10% ở bộ phận người thuộc hàng nghèo nhất.
“Chúng tôi thấy rằng trước đại dịch các cá nhân trong cộng đồng giàu có thường có xu hướng ít ở nhà hoàn toàn. Tuy nhiên khi tình trạng khẩn cấp được áp dụng, các cá nhân sống ở các khu vực giàu có là những người ở nhà nhiều nhất. Đây rõ ràng là một sự đảo ngược hoàn toàn” – theo đồng tác giả nghiên cứu Joakim Weill.
COVID-19 không ngăn được người nghèo ra đường kiếm sống. Ảnh minh họa từ Spencer Platt/GETTY IMAGES
Nghiên cứu không xác định nguyên nhân sự đảo ngược này. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu nhắc đến các cơ chế hợp lý là cộng đồng thu nhập thấp thường có xu hướng là những người làm những công việc mang tính thiết yếu không thể làm ở nhà, so với tính chất công việc có thể làm từ xa của những người thu nhập cao hơn.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy rõ gánh nặng của đại dịch với bộ phận người thu nhập thấp, vốn được cho là có tỉ lệ người có bệnh nền rất đông mà lại ít được tiếp cận với chăm sóc y tế. Thời điểm đại dịch, trong khi người giàu có thể yên tâm thực hiện giãn cách để bảo vệ sức khỏe thì người nghèo phải mạo hiểm sức khỏe để tìm cách duy trì công việc để bảo đảm nguồn thu cho gia đình.
Thực tế này cũng làm suy giảm phần nào hiệu quả của việc giãn cách xã hội mang lại với công tác phòng chống dịch nói chung.
Theo nhà nghiên cứu Michael Springborn, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc các gói cứu trợ khẩn cấp đáp ứng nhu cầu của bộ phận người nghèo để qua đó giúp họ thực hiện tốt việc giãn cách xã hội và các biện pháp quan trọng khác ngăn dịch bệnh lây lan.