Giao dịch bất động sản qua sàn không làm tăng giá bán

(PLO)- Bộ Xây dựng khẳng định giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện qua sàn không gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giao dịch qua sàn không làm tăng giá bán

Liên quan đến quy định về sàn giao dịch BĐS, Bộ Xây dựng cho hay có ý kiến nhất trí quy định các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch. Ý kiến khác đề nghị không nên quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích nhằm đảm bảo quyền tự do, lựa chọn của các bên trong giao dịch.

Lý giải, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng việc quy định các giao dịch BĐS hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam.

Quy định nói trên cũng nhằm tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch BĐS nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch BĐS của người dân.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, quy định giao dịch qua sàn không gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán. Hiện chi phí quản lý, bán hàng của chủ đầu tư thường phải xác định trong khoảng từ 8 - 10% giá bán (bao gồm các chi phí nhân sự, quảng bá, truyền thông, hoa hồng cho người bán được hàng…); chi phí này cũng đã được các chủ đầu tư tính vào giá bán.

Thực tế, chủ đầu tư có thể bỏ chi phí (sử dụng bộ máy, nguồn lực riêng của mình) để tự tổ chức bán hàng hoặc thành lập sàn hoặc thuê sàn BĐS để thực hiện.

“Việc này nhiều khi còn tiết kiệm chi phí bán hàng cho chủ đầu tư, vì các sàn BĐS là đơn vị bán hàng chuyên nghiệp, có sẵn dữ liệu khách hàng, có sẵn liên kết các sàn, có sẵn các kênh tiếp thị, quảng cáo… nên hiệu quả và hiệu suất cao hơn”- Bộ Xây dựng nêu quan điểm.

Bộ Xây dựng cũng đánh giá các giao dịch BĐS hình thành tương lai có nhiều đặc thù như tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án BĐS phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án, trong khi các giao dịch này không thực hiện qua công chứng. Do vậy, cần thiết đưa vào giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, quản lý, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch BĐS.

Ngoài ra, nghiên cứu kinh nghiệm nhiều nước cho thấy giao dịch BĐS cũng được thực hiện thông qua sàn BĐS hoặc các đại lý, tổ chức môi giới…

Tuy nhiên, Cơ quan chủ trì soạn thảo cho hay sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý về nội dung này, đảm bảo hoàn thiện quy định về sàn giao dịch BĐS cho phù hợp.

Tán thành việc "đặt cọc" trong kinh doanh nhà ở...

Cũng theo Bộ Xây dựng, tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến tán thành quy định tại dự thảo về việc "đặt cọc" trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Có ý kiến đề xuất quy định cho phép chủ đầu tư dự án BĐS nhận tiền đặt cọc từ người có nhu cầu mua nhà ở hình thành trong tương lai tại thời điểm sớm hơn, trước khi nhà ở đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và quy định bổ sung giới hạn số tiền tối đa chủ đầu tư được nhận đặt cọc.

Dự thảo đang quy định chủ đầu tư chỉ được nhận tiền đặt cọc khi đáp ứng điều kiện là nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này.

Bộ Xây dựng cho rằng nhà ở, công trình xây dựng là tài sản có giá trị lớn, khi trở thành đối tượng của giao dịch kinh doanh BĐS phải có đủ điều kiện pháp lý khi được đưa vào giao dịch. Quy định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng khi ký hợp đồng mua nhà ở hình thành trong tương lai với chủ đầu tư dự án BĐS.

Tuy nhiên, Cơ quan chủ trì soạn thảo cho hay sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm quy định phù hợp về thời điểm, điều kiện và số tiền đặt cọc mà chủ đầu tư dự án BĐS được nhận từ khách hàng; đảm bảo đồng bộ với Bộ Luật Dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm