Hàng chục người gồm binh sĩ hai bên và dân thường chết và bị thương trong 3 ngày giao tranh bùng nổ ở thị trấn Avdiivka thuộc vùng Donbass (đông Ukraine). Đây là đợt giao tranh nguy hiểm nhất ở đông Ukraine trong nhiều tháng và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Chính phủ Ukraine đã yêu cầu người dân Avdiivka sơ tán để tránh một thảm họa nhân đạo không những vì hiểm nguy giao tranh mà cả vì điện, nước trong khu vực đã bị cắt trong bối cảnh giá rét, nhiệt độ có lúc xuống tới -20 độ C. Tính đến 8 giờ sáng 1-2 (giờ Ukraine) đã có 12.000 sơ tán khỏi Avdiivka.
Binh sĩ chính phủ Ukraine bị thương trong giao tranh ở thị trấn Avdiivka (vùng Donbass, đông Ukraine) ngày 30-1. Ảnh: EPA
Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố kêu gọi các nước can thiệp ngoại giao. Trong khi đó phe ly khai cũng ra tuyên bố gửi đến cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi một giải pháp ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, duy trì quan điểm ủng hộ chính phủ Ukraine trước nay. Chính phủ Ukraine rất mong đợi thiết lập quan hệ tốt đẹp với ông Trump và chính phủ Mỹ mới, hy vọng Mỹ sẽ duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Một số quan chức Ukraine nói đến khả năng sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 2 này.
Dù thế quan hệ và sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine có thể sẽ không được tốt đẹp như dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama khi Tổng thống Trump tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Washington Post nhận định đợt giao tranh này có thể là một phép thử sớm với khả năng quản lý quan hệ với Nga của Tổng thống Trump.
Giao tranh đông Ukraine bùng nổ chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm chính thức đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Và Ukraine là một trong những chủ đề chính được đề cập trong cuộc điện đàm. Bên cạnh vấn đề Syria, giao tranh Ukraine – nơi Nga ủng hộ phe ly khai – là một yếu tố chính khiến quan hệ Mỹ-Nga không được tốt đẹp trong thời Tổng thống Obama.
Trước khi giao tranh bùng nổ ở đông Ukraine, có ý kiến rằng Nga sẽ đưa ra phép thử sớm với ông Trump bằng một cuộc khủng hoảng tầm quốc tế, hoặc lợi dụng tình hình bối rối của Mỹ thời điểm ông Trump nhậm chức để ra tay giành ưu thế ở đông Ukraine. Các bước đi này sẽ tạo thêm sức mạnh thương lượng cho Nga với mục tiêu: Mỹ hủy bỏ trừng phạt và công nhận ảnh hưởng của Nga ở khu vực trong đó có Ukraine. Và theo National Interest, dỡ bỏ trừng phạt là một điều kiện tiên quyết nếu Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Một thợ mỏ được cứu hộ ngày 31-1 sau khi bị mắc kẹt trong hầm mỏ vì mất điện ở vùng Donbass (đông Ukraine). Ảnh: EPA
National Interest nhận định Nga sẽ nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp của ông Trump về Ukraine. Chẳng hạn đầu tiên là nỗ lực để Mỹ thống nhất đưa bán đảo Crimea ra khỏi danh sách các vấn đề tranh cãi giữa Nga với Mỹ, xem như nó đã được giải quyết là thuộc lãnh thổ của Nga.
Nỗ lực này có khả năng đạt được khi ông Trump trong giai đoạn tranh cử tổng thống đã tuyên bố ủng hộ quan điểm của Nga về Ukraine, cho rằng không có chuyện Tổng thống Putin đưa quân đến Ukraine, hay phần lớn người dân bán đảo Crimea – vốn Nga đã sáp nhập năm 2014 - không muốn Crimea là một phần của Ukraine.
Ngoài ra phía Nga sẽ không chịu yên để Mỹ và NATO thực hiện chủ trương biến Ukraine trở thành một thành viên NATO chống Nga ngay sát sườn Nga.