Giúp doanh nghiệp chân chính tránh bị cáo buộc 'gian lận xuất xứ'

(PLO)- Dự thảo Thông tư mới sẽ tập trung giải quyết vấn đề về bộ tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Thị trường trong nước chưa có quy định hàng " sản xuất tại Việt Nam"

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu.

Với hàng hóa sản xuất gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước hiện chưa có quy định, cách xác định thế nào là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Việc này khiến nhiều tổ chức, cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác xuất xứ trên nhãn theo quy định.

Ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Vì vậy, dự thảo Thông tư sẽ tập trung giải quyết vấn đề về bộ tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước.

Người dân chọn mua hàng hóa Việt tại siêu thị
Người dân chọn mua hàng hóa Việt tại siêu thị

Giúp loại bỏ hàng nhập khẩu đội lốt hàng Việt

Dự thảo thông tư quy định năm nguyên tắc xác định và thể hiện hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Trong đó có nguyên tắc tổ chức, cá nhân căn cứ các quy định của thông tư để tự xác định và tự chịu trách nhiệm khi xác định hàng hóa của mình là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Trường hợp không xác định được là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định tại thông tư thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Đồng thời thể hiện bằng một trong các cụm từ hoặc kết hợp các cụm từ “lắp ráp tại Việt Nam”; “đóng chai tại Việt Nam”; “đóng gói tại Việt Nam”… hoặc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư quy định 11 cách xác định hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam gồm: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; Sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam.

Sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, nơi Việt Nam có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.

Vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng ở Việt Nam hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế…

Theo Bộ Công Thương, dự thảo Thông tư được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới, được tham khảo và điều chỉnh để áp dụng phù hợp tại Thông tư.

Thông tư không làm phát sinh thêm chi phí cho DN. Giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43 và Nghị định 111, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Các DN chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Ngoài ra, Thông tư sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm đội lốt hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Dự thảo thông tư quy định hàng hóa không được xác định là sản xuất tại Việt Nam nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn gia công, chế biến như:

  • Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho.
  • Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; Đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.
  • Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.
  • Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại. Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.
  • Giết, mổ động vật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm