NVT (14 tuổi) hiện đang học lớp 6 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 8 (TP.HCM). Năm 2010, sau một tai nạn giao thông kinh hoàng, T. mồ côi cả cha lẫn mẹ. T. cùng anh trai về ở với bà ngoại và dì ruột.
Dì của em làm công nhân, bà ngoại già yếu. Cả gia đình chen chúc trong căn nhà nhỏ xíu, ẩm thấp. Người anh của em đưa một cô gái về chung sống và có con. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi anh trai không có công việc ổn định, dễ nổi nóng, nhiều lúc đánh chửi vợ và T.
T. sống trầm uất, khép kín cho đến khi đi bụi theo đám bạn đường phố - những người từng lôi kéo người anh dính vào tệ nạn ma túy và phải đi trại giáo dưỡng.
Đưa trẻ vào quỹ đạo an toàn
Tổ công tác xã hội (CTXH) của tổ chức phi chính phủ Pháp mang tên Trẻ em và Phát triển (E&D) thường xuyên đến nhà em vài lần mỗi tuần, nhờ đó nắm rõ hoàn cảnh và tính cách của mọi người trong gia đình. Đặc biệt là T. luôn có tâm lý lo sợ, cô đơn khi ở nhà.
Tổ CTXH thường xuyên liên lạc, trò chuyện với em và giới thiệu những địa chỉ tư vấn tâm lý miễn phí để T. có thể liên hệ, thuyết phục quay trở lại lớp. Tâm trạng của em dần tốt lên, kết quả học tập cũng tốt hơn.
Một nhân viên CTXH E&D đến thăm một gia đình nghèo được trợ giúp.
Đối với anh trai và chị dâu của em, tổ CTXH giới thiệu họ đi học nghề. Gia đình của T. dần trở nên yên ổn hơn, không còn bất hòa, bạo lực.
Đây là một trong những ca mà các E&D đã theo dõi và giúp đỡ theo phương pháp “Đồng hành cùng gia đình”. Họ giúp các gia đình dần nhận ra được các vấn đề của mình và khắc phục nó, trong đó trẻ em được giúp đỡ và sống an toàn hơn.
T. là một trong số em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh được tổ chức này đưa vào danh sách trẻ em cần được giúp đỡ.
Giúp người nghèo tự giải quyết vấn đề
Ngày 8-6, tại hội thảo phát triển mô hình CTXH được tổ chức tại Trường ĐH Mở TP.HCM, ông Trần Hoàng Minh (nhân viên đào tạo của E&D) cho rằng vấn đề lớn nhất của các gia đình nghèo là họ không biết cách giải quyết các vấn đề của mình và rất thiếu tự tin. Trẻ em trong các gia đình này dễ có nguy cơ bỏ học, vướng vào tệ nạn xã hội.
Nhiều lần tổ CTXH hướng dẫn một gia đình đi làm giấy tờ nhưng họ không dám đi vì chưa bao giờ lên phường. Nhân viên CTXH phải đóng vai công an, cán bộ phường trò chuyện để họ chuẩn bị tâm lý trước. Cuối cùng, nhân viên CTXH phải đi cùng để họ yên tâm. Sau vài lần như vậy, gia đình này đã tự đi đến phường để mua BHYT, làm giấy tờ cho con em đi học…
Có gia đình nghèo vì không có kinh nghiệm làm ăn, lại nghe lời khuyên của một gia đình nghèo khác làm liều, cuối cùng nghèo càng nghèo hơn. Con cháu lại tiếp tục nghèo theo vòng quay luẩn quẩn. Khi nhân viên CTXH giúp họ tiếp cận các địa chỉ hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm việc phù hợp…, họ mới nhận ra vấn đề thực ra khá đơn giản, chỉ vì họ thiếu thông tin.
Phương pháp đồng hành cùng gia đình của tổ chức E&D đang triển khai tại TP.HCM đã biết gắn với thực tế tình hình của địa phương, chính vì vậy đã phát huy tác dụng hết sức hiệu quả trong các lĩnh vực can thiệp và trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là trẻ em. Trung tâm CTXH trẻ em TP trong thời gian vừa qua đã có phối hợp với tổ chức E&D triển khai thực hiện dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại cơ sở trên địa bàn TP. Qua các khóa đào tạo, tập huấn bồi dưỡng, đa phần cán bộ, nhân viên, cộng tác viên đều có đánh giá rất cao mô hình đồng hành cùng gia đình vì nó sát với thực tế và các vấn đề mà trẻ em gặp phải trong cuộc sống. Với quan điểm xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em của TP, sự tham gia của các tổ chức đối tác đã và đang góp phần quan trọng trong các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy vậy chúng tôi xác định sự hỗ trợ của các dự án đối tác chỉ mang tính chất hỗ trợ (nhất là về mặt kỹ thuật), cái chính vẫn là sự chủ động của chúng ta, như vậy sẽ góp phần đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của dự án sau khi tổ chức đối tác rút đi. Hiện nay trong các chương trình trọng tâm của TP về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phương pháp đồng hành cùng gia đình đang được xem là một trong các phương thức tiếp cận được quan tâm nhất. Ông Phạm Đình Nghinh, Giám đốc Trung tâm công tác Bên cạnh E&D, một số tổ chức khác như WWO (tổ chức Cô nhi thế giới) cũng có cách hỗ trợ tương tự. Tổ chức này đã chăm sóc sức khỏe, thể chất và tâm lý cho trẻ và các thành viên trong những gia đình khó khăn nhằm giúp đứa trẻ có cuộc sống tốt hơn. Riêng về dự án hỗ trợ phát triển gia đình của tổ chức Trẻ em và Phát triển (E&D), sau khi được hỗ trợ, vẫn có khoảng 9% gia đình không biết làm gì. Có 72% gia đình có thể tự giải quyết các vấn đề của mình, 19% gia đình tiếp tục tìm kiếm hỗ trợ. |