Gửi 300 triệu đồng vào ngân hàng nào sẽ được lãi suất cao nhất?

(PLO)- Xu hướng tăng lãi suất huy động tiền gửi bắt đầu từ nửa sau tháng 4-2024 cho đến giờ chưa có dấu hiệu ngưng lại. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kênh gửi tiết kiệm trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây đang trở nên hấp dẫn hơn khi mà hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần nâng lãi suất huy động.

Khoản tiền 300 triệu gửi ngân hàng nào sẽ được lãi suất huy động cao nhất?
Kênh tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh ưa thích của nhiều người lớn tuổi, có lượng tài chính dồi dào - Ảnh: Ngọc Diệp

Chị Nguyễn Thùy Linh tại quận Ba Đình – Hà Nội có số tiền nhàn rỗi khoảng 300 triệu đồng cần gửi. Thời gian này chị suy nghĩ nhiều hơn đến việc lựa chọn kênh tiết kiệm bởi được biết lãi suất ngân hàng hiện giờ đã hấp dẫn hơn so với khoảng thời gian trước.

Khi tìm hiểu các ngân hàng, chị được biết ngân hàng SeaBank hiện đang chào lãi suất huy động cao nhất thị trường.

Cụ thể, ngân hàng SeaBank hiện đang chấp thuận cho mức lãi suất đến 5,9% với khoản tiền 300 triệu gửi thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, phía nhân viên ngân hàng tư vấn với chị rằng chị nên gửi thời hạn 6 tháng, sau đó nếu lãi suất dài hạn biến động tăng cao hơn, chị sẽ có lợi hơn về lãi suất.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đang chào mức lãi suất dù không cao như SeaBank nhưng cũng tương đối hấp dẫn.

Anh Nguyễn Minh Tiến tại quận Cầu Giấy – Hà Nội cho biết, khi tìm hiểu nơi gửi tiền cho khoản 400 triệu, nhân viên ngân hàng TPBank tư vấn anh về mức lãi suất khoảng 5,2% cho 12 tháng.

Tuy nhiên, nhân viên TPBank để ngỏ khả năng nếu anh thực sự gửi, sẽ có thể trình cấp trên xin cho anh được mức lãi hấp dẫn hơn, cao nhất có thể lên đến 5,6% cho 12 tháng với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng.

Việc thỏa thuận để có lãi suất cao hơn dành cho khách hàng quen, khách hàng VIP của ngân hàng diễn ra khá phổ biến.

1207Laisuat.jpg
Cập nhật lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất thực tế có thể cao hơn tùy một số điều kiện - Nguồn: CafeF

Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu từ nửa sau tháng 4-2024 cho đến giờ chưa có dấu hiệu ngưng lại. Trong hai tháng gần đây, lãi suất cao nhất hệ thống cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng (không quá 1 tỷ đồng) từ 5,4% tăng lên 5,9%. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng tăng gấp đôi, từ 12 lên 24 đơn vị.

Còn trong vòng khoảng 1 tháng trở lại đây, có khoảng hơn 20 ngân hàng thương mại nâng lãi suất, mức tăng giao động từ 0,1% đến 0,9%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến 24-6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023 - là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nhiều chuyên gia lý giải không quá khó hiểu với điều này bởi trong nửa đầu năm 2024, kênh chứng khoán mang lại lợi suất khá tốt khoảng 10%, kênh bất động sản cũng chứng kiến sự phục hồi về tỷ lệ hấp thụ và tỷ suất sinh lời. Nổi bật nhất phải kể đến kênh vàng, đặc biệt vàng nhẫn với mức lợi suất thu về đến 22%.

Trong nửa đầu năm nay, hiệu suất các kênh đầu tư theo tính toán của WiGroup lần lượt như sau: Vàng nhẫn 21,34%; cổ phiếu 10,04%; trái phiếu doanh nghiệp 7,84%; vàng SJC 4,03%; USD 3,99%; tiền gửi 2,42% và trái phiếu chính phủ 1,41%.

Trả lời PLO, chuyên gia của tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cho rằng nhu cầu tín dụng trong nửa sau năm 2024 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh, chính vì vậy không ngạc nhiên khi nhiều ngân hàng chạy đua nâng lãi suất nhằm hút nguồn tiền.

Trong nghiên cứu mới công bố, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings dự báo nhu cầu vay vốn nửa cuối năm cũng sẽ tăng tốc nhờ lĩnh vực sản xuất có tín hiệu phục hồi, xuất khẩu cũng tăng trở lại nhờ các thị trường chính chuyển biến tích cực hơn. FiinRatings cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản - bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại - triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần tháo gỡ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm