Ngày 29-5, hãng thông tấn Yonhap cho biết giới chức y tế Hàn Quốc đang tích cực kiểm soát sự lây lan COVID-19 tại các trung tâm logistics gần thủ đô Seoul để tránh dịch bùng phát mạnh mẽ, lây lan tới thành phố này.
Ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trên 50
Tính đến chiều ngày 29-5, Hàn Quốc đã báo cáo hơn 58 ca nhiễm mới, trong đó có ba ca nhiễm “nhập khẩu”. Đây là ngày thứ hai liên tiếp có số ca nhiễm mới tăng trên 50.
Hiện toàn đất nước Hàn Quốc có tổng cộng 11.402 ca nhiễm và 269 ca tử vong vì COVID-19, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).
Theo Yonhap, một cơ sở phân phối, giao nhận hàng hóa (logistics) của công ty thương mại điện tử Coupang ở TP Bucheon, tỉnh Gyeonggi (phía tây Seoul) đã trở thành một ổ dịch mới ở nước này sau các ổ dịch tại các quán bar và hộp đêm ở Seoul.
Đến trưa 29-5 (giờ địa phương), đã có 102 người tiếp xúc gần ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại đây và đều được đưa đi cách ly, theo dõi.
Thông báo tạm đóng cửa cơ sở logistics của công ty Coupang hôm 27-5 sau khi có xuất hiện ca nhiễm COVID-19. Ảnh: YONHAP
Ngoài ra, công ty Coupang và một công ty vận chuyển hàng tạp hóa khác là Market Kurly cũng xác nhận các ca lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở logistics của họ tại TP Goyang, tỉnh Gyeonggi .
Các cơ sở logistics được cho là dễ lây lan COVID-19 vì nhiều người cùng làm việc trong một môi trường quá gần nhau mà không tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, đã có 4.351 người được xét nghiệm COVID-19, trong đó có khoảng 3.600 công nhân tại TP Bucheon, tỉnh Gyeonggi.
Một nhân viên giao hàng của công ty thương mại điện tử Coupang đeo khẩu trang ngửa COVID-19 khi làm việc. Ảnh: REUTERS
KCDC cho biết nếu các ổ dịch liên quan đến cơ sở, công ty logistics không được ngăn chặn ở giai đoạn đầu thì có thể dẫn đến lây lan, nhiễm bệnh ở Seoul và các khu vực lân cận.
"Hai tuần tới sẽ là một thời điểm quan trọng để đánh giá sự bùng phát dịch bệnh có xuất hiện và lây lan tới các khu vực đô thị hay không" - Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip nói trong một cuộc họp ngày 29-5.
Trước tình hình phức tạp trên, quan chức Hàn Quốc yêu cầu tiếp tục đóng cửa các địa điểm công cộng như bảo tàng, phòng trưng bày, nhà hát... Trong khi đó, các cơ quan giáo dục cho biết sẽ tiến hành mở cửa trường học theo từng giai đoạn và hạn chế số lượng học sinh tại trường.
Tìm kiếm nguồn nhập khẩu thuốc kháng virus remdesivir
Cũng trong ngày 29-5, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết sẽ yêu cầu nhập khẩu thêm thuốc kháng virus remdesivir từ công ty dươc phẩm Gilead (Mỹ) để dùng điều trị bệnh nhân COVID-19, theo hãng tin Reuters.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Jeong Eun-kyeong cho biết: “Bộ trưởng An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cần nhanh chóng phê duyệt việc nhập khẩu thuốc kháng virus remdesivir vì một hội đồng trong chính phủ đã kết luận thuốc này cho kết quả khả quan trong điều trị COVID-19”.
Hàn Quốc tìm kiếm nguồn cung thuốc remdesivir khi số ca nhiễm mới COVID-19 ngày càng tăng. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, công ty Gilead (Mỹ) cho biết thuốc remdesivir cho kết quả tích cực đối với bệnh nhân COVID-19. Nhiều dữ liệu cũng xác nhận thuốc remdesivir có hiệu quả tốt khi đưa vào điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu.
Kết quả sơ bộ từ một cuộc thử nghiệm do Viện Y tế Mỹ thực hiện cho thấy bệnh nhân dùng thuốc remdesivir sẽ giảm 31% thời gian nằm viện so với những người điều trị bằng giả dược.