Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Bộ KH&ĐT ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã đánh giá sơ bộ những tác động của dịch bệnh Corona đến nền kinh tế. Trong đó, bộ này cho rằng những ngành như xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải... là những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp.
Công nghiệp sẽ tăng trưởng thấp
Trong những ngành bị ảnh hưởng gián tiếp thì sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản được coi là ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn.
Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đối với các mặt hàng này đang chững lại do đóng cửa biên giới và do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc hết sức khó khăn.
Thanh long là một trong những nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Corona. Ảnh: Internet
“Nhiều mặt hàng nông sản phải chịu sức ép về thời vụ, bảo quản như trái cây, nhất là thanh long, dưa hấu,... nên khó xoay chuyển trong thời gian ngắn, không dễ chuyển hướng thị trường do chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức cũng như đáp ứng truy xuất nguồn gốc thông thường” - báo cáo của Bộ KH&ĐT nhận định.
Thủy sản, chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi vào thị trường Trung Quốc.
Sản xuất công nghiệp có lẽ bị tác động nhiều nhất do ngành chế biến, chế tạo, những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Những ngành/sản phẩm chịu nhiều thiệt hại như dệt, may, da, giày với các sản phẩm/nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; sản xuất kim loại.
Đặc biệt, trong đó Công ty Formosa có 7.500 lao động thì hiện còn thiếu 500 lao động về nghỉ tết chưa trở lại làm việc do Việt Nam hạn chế nhập cảnh.
Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI), đối tượng bị ảnh hưởng là người Trung Quốc làm việc trong các dự án FDI tại Việt Nam và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm với Trung Quốc
Khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa làm ảnh hưởng tiếp tới tiến độ, công tác chuẩn bị cũng như triển khai các dự án ở Việt Nam.
Nguồn nhân công cho nhiều dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam giảm do rất nhiều cán bộ, kỹ sư, chuyên gia của Trung Quốc không vào được Việt Nam khi có các hạn chế đi lại từ các lệnh cấm bay.
Hành khách khai báo y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh: TIỀN PHONG
Báo cáo của Bộ KH&ĐT dẫn thông tin từ một số doanh nghiệp FDI cho hay: LG thông tin nếu dịch Corona không được ngăn trong vòng hai tuần tới sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại Cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020.
Với Công ty Formosa: Việc không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng ngàn người Trung Quốc làm việc cho dự án Formosa dự kiến sau ngày 15-2 mới được phép vào Việt Nam.
Trong khi đó, Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Do đó, sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.
Lao động Việt Nam phải gánh việc
Theo Bộ KH&ĐT, tình hình lao động việc làm và sản xuất, kinh doanh ở địa phương về cơ bản đang diễn ra bình thường, không có nhiều biến động.
Trong số 50 địa phương có thông tin về người lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam thì các tỉnh có nhiều lao động Trung Quốc nhất là Bắc Ninh với 9.000 người, Hải Phòng 4.308 người và TP.HCM 4.162 người.
Đã có 5.492 người lao động từ Trung Quốc quay trở lại Việt Nam vào thời gian bùng phát dịch, một số ít những người này đã quay trở lại làm việc còn đa số đang được cách ly theo quy định.
“Vẫn còn hơn 11.000 người lao động Trung Quốc sẽ quay trở lại Việt Nam từ vùng có dịch để làm việc theo hợp đồng trong thời gian tới” - Bộ KH&ĐT báo cáo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày 2-2. Ảnh: VNN
Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, các lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp có lao động người Trung Quốc đang phải làm tăng ca để “gánh” thêm công việc của lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc.
Bộ KH&ĐT dự báo, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì thị trường lao động Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Quy mô lao động, đặc biệt lao động trong khu vực du lịch, dịch vụ, kinh doanh ăn uống sẽ giảm mạnh. Điều này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, có thể sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội khác.
Đối với các học sinh cuối cấp, việc nghỉ học có thể gây ảnh hưởng đến chương trình học và kế hoạch ôn thi trong thời gian sắp tới. Nhiều lao động phải nghỉ việc, một số phải làm việc tại nhà để trông con. Dịch bệnh cũng tác động lên đời sống, sinh hoạt, tâm lý của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm ổn định sản xuất, đời sống sinh hoạt và tâm lý của nhân dân, không gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng. Bộ KH&ĐT |