Theo kênh NDTV, quân đội Ấn Độ ngày 17-3 ra thông báo cho biết tàu sân bay INS Vikramaditya, tàu ngầm hạt nhân INS Chakra, cùng 60 tàu chiến và 80 máy bay đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng tác chiến ở phía Bắc biển Ả Rập sau căng thẳng leo thang giữa nước này với Pakistan kể từ vụ tấn công khủng bố hôm 14-2.
Tàu ngầm hạt nhân INS Chakra của Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Theo đài RT, động thái này với mục đích “ngăn chặn, giải trừ và đánh bại bất kỳ hành động xấu nào của Pakistan trên biển” như quân đội Ấn Độ đã tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 28-2. Động thái này có nguy cơ “đổ thêm dầu vào lửa” vào tình trạng thù địch đang âm ỉ giữa hai nước.
Phần lớn các khí tài được triển khai trên đã tham gia cuộc tập trận mang tên TROPEX 19, cuộc tập trận lớn nhất của Ấn Độ với sự tham gia của hải quân, không quân và lục quân Ấn Độ.
Khi căng thẳng giữa New Delhi và Islamabad dâng lên một tầm mới, các khí tài này nhanh chóng được chuyển từ chế độ tập trận sang sẵn sàng tác chiến, quân đội Ấn Độ cho hay.
Thông báo của quân đội Ấn Độ không nói rõ thời gian triển khai.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan nóng lên kể từ giữa tháng 2, thời điểm một vụ đánh bom khủng bố nhằm vào lực lượng quân nhân Ấn Độ khiến hơn 40 người chết ở khu vực tranh chấp Kashmir. Thủ phạm là nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad có căn cứ ở Pakistan.
Ngày 26-2, Ấn Độ đã tiến hành không kích vào trại huấn luyện của tổ chức này ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Một ngày sau, không quân Pakistan triển khai máy bay để đáp trả các phi cơ Ấn Độ xâm nhập vào không phận nước này. Hai bên đã giao tranh với nhau và khiến ít nhất một tiêm kích MiG-21 của Ấn Độ và một tiêm kích F-16 của Pakistan bị bắn rơi.
Từ đó đến nay, hai nước đã thực hiện nhiều cuộc pháo kích và không kích nhỏ lẻ nhằm vào nhau ở khu vực Kashmir.
Hãng tin Reuters mới đây dẫn nguồn tin chính phủ ở New Delhi và Islamabad cho biết có thời điểm Ấn Độ đe dọa bắn ít nhất sáu quả tên lửa vào Pakistan, còn Pakistan cam kết đáp trả bằng lượng tên lửa “gấp ba”.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, những lời đe doạ trên chỉ dừng lại ở phát ngôn qua lại, và cũng chưa bên nào nói tên lửa dọa bắn qua nước kia là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.