Hàng hóa cung ứng cho phía Nam dồi dào, chỉ vướng khâu vận chuyển

Chiều 19-7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hàng hóa dồi dào, ĐBSCL sẵn sàng cung ứng cho TP.HCM

Thông tin tại hội nghị, đầu cầu TP.HCM cho biết qua rà soát nhu cầu của người dân thành phố, lượng rau dự kiến thiếu khoảng 1.500 tấn, trứng thiếu 300.000-400.000 quả.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ NN&PTNT. Ảnh: Nongnghiep.vn

Trước tình hình trên, đại diện Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết trong 14 ngày tới, tỉnh này có thể cung cấp 20.000 tấn rau, 40.000 tấn lúa cho TP.HCM.

Tỉnh Trà Vinh cũng cho biết trong khi TP.HCM đang thiếu hàng thì Trà Vinh lại đang rất dồi dào hàng hóa. Đầu cầu Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, Sở này đã liên hệ với TP.HCM để hỗ trợ nông sản cho các vùng cách ly. Hiện khả năng cung ứng mỗi ngày của Lâm Đồng cho thành phố khoảng từ 6.000-7.000 tấn rau.

Tuy nhiên, các tỉnh đều cho biết đang gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa. Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sẽ làm việc với Bộ Công Thương để cấp luồng xanh, tạo điều kiện cho việc vận chuyển nông sản.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Nam và TP.HCM vẫn tương đối dồi dào.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thời gian qua vẫn ổn định. Đối với sản xuất rau, các tỉnh phía Nam có diện tích rau khoảng 537.000 ha, năng suất 199,7 tạ/ha, sản lượng 10,7 triệu tấn. Bình quân mỗi tháng vùng ĐBSCL cung cấp cho thị trường 433.000 tấn rau, chủ yếu cho tiêu thụ nội địa với khoảng 18 triệu người vùng ĐBSCL và 10 triệu người TP.HCM.

Đối với thịt heo, tổng sản lượng thịt heo của 19 tỉnh phía Nam năm 2020 đạt 1.060.338 tấn (kế hoạch sản xuất năm 2021 tăng 6,2% so với năm trước). Trong đó, sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 93.840 tấn/tháng.

Đối với thịt gà, sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 30.492 tấn/tháng; thịt vịt, sản lượng bình quân năm 2021 là 10.860 tấn/tháng. Tổng sản lượng trứng các loại của 19 tỉnh phía Nam năm 2020 đạt 5,18 tỷ quả. Sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 455 triệu quả/tháng.

Đối với thủy sản, sản lượng tôm sú đạt 113.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258.000 tấn, tình hình sản xuất tôm vẫn diễn ra tương đối ổn định.

Duy trì chợ truyền thống, chung cư mở thêm điểm bán hàng

Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể trong tất cả các khâu cung ứng nông sản từ thu hoạch, nhà máy sơ chế, đến vận chuyển, tiêu thụ.

 

Người dân TP.HCM mua sắm thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Hiệp hội bán lẻ thì bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương khi áp dụng giãn cách nên bám sát tình hình thực tiễn để chỉ đạo, không để hàng hóa ùn ứ ở nơi sản xuất và thiếu ở nơi bán hàng. Hiệp hội đề xuất các khu chung cư nên mở thêm nhiều điểm bán hàng để phục vụ kịp thời nhu cầu cho nhân dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ ra 5 việc mà các tỉnh, thành phố phía Nam cần làm ngay để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản.

Đó là các tỉnh theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm, đảm bảo cung ứng cho địa bàn và tiếp tục hỗ trợ cho TP.HCM. Các tỉnh cần báo cáo tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ, vì nếu một cơ sở chế biến giết mổ có ca bệnh COVID-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng.

Tiếp nữa, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, nên các tỉnh không những phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ mà còn cần tập trung vào vật tư để sản xuất. Các tỉnh tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để củng cố các chuỗi cung ứng nông sản, nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho TP.HCM. Ông cũng cho biết Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác và sẽ theo dõi tình hình cung ứng nông sản suốt thời gian các tỉnh thực hiện giãn cách.

"Có khó khăn gì các địa phương có thể kiến nghị với Tổ công tác để sớm tháo gỡ" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm