Bước vào kỳ nghỉ hè, các tour du lịch đã nóng lên, du khách có nhu cầu đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) đều tăng mạnh. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch nhưng lại là nỗi khổ cho du khách khi gặp phải tình trạng hoãn, hủy chuyến liên tục của các hãng hàng không.
Khách đi lại bằng đường hàng không cao điểm hè luôn đông đúc. Ảnh: PHONG ĐIỀN |
Bay Phú Quốc như bay Nhật Bản
Anh Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) đặt vé chuyến bay Sài Gòn - Phú Quốc. Lịch bay của anh lúc 13 giờ nhưng hãng bay thông báo hoãn lại 1 giờ. 1 giờ sau, khi anh đến check-in, hãng lại thông báo hoãn tiếp đến 15 giờ 40 mới bay với lý do khai thác. “Tôi bay Sài Gòn - Phú Quốc mà mất 8 tiếng mới đến nơi, như bay đi Nhật Bản vậy. Đến 21 giờ tôi mới được ăn tối ở khách sạn, trong khi xuất phát ra sân bay lúc 12 giờ 30. Đi du lịch kiểu này như hành xác, may là tôi đã dời thời gian check-in khách sạn. Trong khi đó, giá vé máy bay thì tăng chóng mặt” - anh Hòa nói.
Tương tự, chị Thanh Hằng (30 tuổi) đặt vé máy bay cho cha mẹ và hai cháu di chuyển từ Đức Trọng (Lâm Đồng) đến TP.HCM. Theo kế hoạch, cả nhà sẽ cùng nhau du lịch ở TP.HCM và Vũng Tàu bằng xe cá nhân. Tuy nhiên, dù đã đặt chuyến chiều tối để tránh tình trạng delay nhưng gia đình chị vẫn bị lùi lịch bay gần 4 tiếng. Đến hơn 1 giờ hôm sau, chị Hằng mới đón được gia đình tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chị Hằng chia sẻ: “Vạ vật ở sân bay, cả gia đình ai nấy đều mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu. Ngày hôm sau ai cũng mệt, tinh thần không thoải mái nên chuyến tham quan không mấy vui vẻ”.
Hãng hàng không khắc phục thế nào?
Trước phản ánh của hành khách về tình trạng mất hàng giờ để chờ máy bay, các hãng thường đưa ra nhiều lý do để giải thích. Trong đó, Vietnam Airlines đã đưa ra nhiều lý do về tình trạng chậm và phương án khắc phục. Theo hãng này, nhu cầu nội địa phục hồi nhanh nhưng cơ sở hạ tầng sân bay vẫn còn nhiều giới hạn, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Các chuyến bay thường bị kẹt không lưu ở trên không, mặt đất do không đủ slot cất hạ cánh, nhất là vào khung giờ cao điểm, ngoài ảnh hưởng do thời tiết xấu. Theo đó dẫn tới chuyến bay phải lùi thời gian khởi hành hoặc phải hủy chuyến, bay bù vào hôm sau.
Về phương án khắc phục, hãng này cho biết đang thực hiện các giải pháp chủ động gồm: Xây dựng phương án rút ngắn thời gian ground time (thời gian máy bay hạ cánh trả khách đến khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo). Đồng thời, tập trung thực hiện công tác kỹ thuật, bảo dưỡng máy bay vào ban đêm, hạn chế dừng máy bay vào ngày khai thác, trừ các trường hợp bắt buộc. Cùng đó, đảm bảo đủ số lượng máy bay dự bị tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Xếp hành trình bay phi công, tiếp viên hạn chế phải đổi máy bay tại các sân bay địa phương.
Sân bay đón gần 100.000 khách/ngày
Là sân bay luôn nằm tốp đầu về lượng khách du lịch, sân bay Phú Quốc luôn tấp nập khách kể từ khi dịch bệnh được kiểm soát, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc Nguyễn Minh Đông nhận xét chu kỳ cao điểm khách đến Phú Quốc kéo dài từ sau tết Nguyên đán đến nay. Hiện bình quân mỗi ngày có 140 chuyến bay đi/đến Phú Quốc.
Sân bay Nội Bài trong giai đoạn tăng trưởng “nóng” khi lượng khách vượt con số gần 100.000 khách/ngày cao điểm.
Theo lãnh đạo sân bay này, dù khách đông đúc nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, đảm bảo an toàn, an ninh 24/24 giờ. “Những ngày cao điểm cuối tuần có tình trạng chậm chuyến đi/đến do tần suất khai thác đẩy lên cao, tuy nhiên sân bay đã cắt cử nhân viên, phương tiện phục vụ tốt nhu cầu khách đến Phú Quốc” - ông Đông nói.
Còn sân bay Tân Sơn Nhất trong tháng 7 dự kiến khai thác hơn 5.300 chuyến bay phục vụ nhu cầu đi lại của gần 900.000 khách. Theo đó, bình quân mỗi ngày sân bay này có hơn 760 chuyến bay đi/đến, trong đó ngày cao điểm 23-7 dự kiến khai thác gần 770 chuyến với hơn 119.740 khách. Cũng thời điểm này có khoảng 200 chuyến bay quốc tế đi/đến với hơn 31.000 khách. Để nâng cao chất lượng phục vụ cao điểm hè năm 2022, cùng công tác khai thác và an toàn, đại diện sân bay này cho biết đã tập trung cao độ cho công tác đảm bảo an ninh hàng không, an ninh trật tự tại cảng.
Đáng chú ý, sân bay Nội Bài trong giai đoạn tăng trưởng “nóng” khi lượng khách vượt con số gần 100.000 khách/ngày cao điểm. Với công suất thiết kế 15 triệu khách năm, nhà ga T1 sân bay Nội Bài trong quý II-2022 đã phục vụ hơn 7 triệu lượt khách đi/đến. Riêng tháng 6-2022, sản lượng trung bình đạt 95.000 lượt khách/ngày với 581 lượt chuyến bay. So với thời điểm cao nhất của năm 2019 khi chưa bùng phát dịch, sản lượng khách quốc nội hè năm nay tăng trên 38%.•
Giá vé máy bay cao điểm hè không thua giá tết
Anh Công Viên, trong chuyến công tác tại TP.HCM cùng năm đồng nghiệp, phàn nàn vé hai chiều chặng bay Quảng Bình - TP.HCM tăng chóng mặt 6,5 triệu đồng/người. Anh nhẩm tính chuyến công tác của sáu thành viên trong hai ngày có chi phí gần 40 triệu đồng tiền vé máy bay. “Dù chi phí vé khá lớn nhưng không thể hoãn lại do công tác quan trọng” - anh Viên chia sẻ.
Anh Phạm Ngọc Duy, chủ một đại lý vé máy bay, đánh giá dù khách tăng cao nhưng vé không khan do máy bay các hãng tập trung khai thác khách du lịch nội địa. Còn các đại lý vé máy bay thì nhận xét giá vé cao điểm hè năm nay không thua kém giá vé tết. Đáng chú ý, do giá xăng tăng nên các hãng mở bán khởi điểm cao so với các năm trước, đồng thời các chính sách khuyến mãi cũng hạn chế. Dù vậy, mạng bay nội địa vẫn luôn đông đúc khách, trong đó các địa phương hút khách du lịch các chuyến bay luôn kín chỗ.