Ngày 20-9, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thông qua nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều từ 141 đến 147 BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục (XHTD) người dưới 18 tuổi. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-11.
Nghị quyết có nhiều từ ngữ gọi tên và mô tả hành vi rất tế nhị, Pháp Luật TP.HCM đã cố gắng giản lược, song do nó gắn liền với các vấn đề pháp lý nên bài viết khó tránh khỏi cảm giác khó chịu cho bạn đọc.
Giao cấu và hành vi tình dục khác
Liên quan đến một số tình tiết định tội, nghị quyết hướng dẫn: Giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện, không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
Nghị quyết cũng hướng dẫn “hành vi quan hệ tình dục khác” là hành vi của những người cùng hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Cụ thể, nó gồm một trong các hành vi: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; dùng bộ phận khác trên cơ thể (ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
Với việc dùng tay sờ má, áp sát mặt mình vào mặt người bị hại..., cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh đã bị TAND quận 4 (TP.HCM) xử phạt 1 năm 6 tháng tù về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hôn người dưới 16 tuổi là dâm ô
Một nội dung quan trọng khác mà nghị quyết hướng dẫn là tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Theo đó, “dâm ô” là hành vi của những người cùng hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.
Cụ thể, dâm ô gồm một trong các hành vi:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (tay, miệng, lưỡi, chân...) tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (hôn vào miệng, cổ, tai, gáy của người dưới 16 tuổi...).
Bảo vệ tối đa bị hại dưới 18 tuổi
Nghị quyết dành một điều quy định về việc tổ chức xét xử vụ án XHTD có bị hại là người dưới 18 tuổi. Theo đó, thời hạn xét xử được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của BLTTHS. Các vụ án khác được đưa ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
Hội đồng Thẩm phán cũng yêu cầu các vụ án này phải được xét xử kín và tuyên án công khai. Khi tuyên án, HĐXX chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Tòa phân công thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi. Khi tham gia xét xử, thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của TAND, không mặc áo choàng.
Hướng dẫn cũng yêu cầu tòa hạn chế triệu tập người bị hại dưới 18 tuổi đến phiên tòa. Trường hợp phải triệu tập, tòa phải bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, ti vi, camera...). Nếu không bố trí được phòng cách ly, tòa bố trí để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo…
Nghị quyết yêu cầu sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại xác định các bộ phận bị xâm hại… Đặc biệt, nghị quyết quy định rõ những việc tòa án không được làm với người bị hại dưới 18 tuổi như: Yêu cầu tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm; đối chất giữa nạn nhân với người phạm tội tại tòa; để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại; buộc bị hại phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa…
Thế nào là bộ phận khác trên cơ thể? Nghị quyết dành một điều để giải thích từ ngữ. Đáng chú ý, XHTD người dưới 16 tuổi được giải thích là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức. Nghị quyết lấy dẫn chứng như hoạt động XHTD được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi; do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ). Ngoài giải thích thế nào là bộ phận sinh dục, nghị quyết định nghĩa bộ phận nhạy cảm bao gồm bìu, mu, hậu môn, háng, đùi, mông, vú. Bộ phận khác trên cơ thể là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm (tay, chân, miệng, lưỡi, mũi, gáy, cổ, bụng...). Những trường hợp loại trừ xử lý hình sự Nghị quyết quy định không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 của BLHS với các trường hợp sau: a) Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...); b) Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước..). Trường hợp người chăm sóc, giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả các bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi vì mục đích chăm sóc, giáo dục, khám, chữa bệnh. Bố chồng phạm tội với con dâu là loạn luân Liên quan đến một số tình tiết định khung, nghị quyết quy định “có tính chất loạn luân” là một trong các trường hợp: a) Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; b) Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột; c) Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi; d) Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể. |