Hậu Giang: Các bản án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội

(PLO)- Theo TAND tỉnh Hậu Giang, công tác xét xử án hình sự năm qua đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo về công tác xét xử năm 2022, TAND tỉnh Hậu Giang cho biết năm qua, kết quả xét xử của tòa hai cấp trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu do TAND Tối cao giao, chất lượng xét xử được đảm bảo.

Cụ thể, trong năm, tòa hai cấp ở Hậu Giang đã thụ lý 659 vụ án hình sự với 1.374 bị cáo; đã giải quyết 653 vụ với 1.336 bị cáo, đạt tỉ lệ hơn 99%. Thống kê trong số các vụ án đã thụ lý, các tội danh chiếm tỷ lệ cao, gồm: cố ý gây thương tích; đánh bạc; tổ chức đánh bạc; tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án Võ Thanh Long cùng các đồng phạm lừa đảo 817 bị hại ở nhiều tỉnh, thành chiếm đoạt gần 160 tỉ đồng là vụ án có tính chất phức tạp, đông người, dư luận xã hội quan tâm. Ảnh: CHÂU ANH

Vụ án Võ Thanh Long cùng các đồng phạm lừa đảo 817 bị hại ở nhiều tỉnh, thành chiếm đoạt gần 160 tỉ đồng là vụ án có tính chất phức tạp, đông người, dư luận xã hội quan tâm. Ảnh: CHÂU ANH

Theo TAND tỉnh Hậu Giang, trong xét xử các vụ án hình sự, hình phạt áp dụng đối với các bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; đủ sức giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm chung. Đồng thời, kịp thời đưa ra xét xử các vụ án có tính chất phức tạp, đông người, dư luận xã hội quan tâm, trong đó, xử lý nghiêm đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, phạm tội theo kiểu băng nhóm, xã hội đen.

Điển hình như vụ Võ Thanh Long và các đồng phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo 817 bị hại ở nhiều tỉnh thành khác nhau, chiếm đoạt số tiền gần 160 tỉ đồng. Ngoài ra, còn nhiều vụ án khác, như vụ Nguyễn Bảo Phương và đồng phạm phạm tội giết người, vụ Nguyễn Huy Bình và đồng phạm mua bán trái phép chất ma túy và chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy...

Về các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, năm qua, TAND hai cấp ở Hậu Giang đã thụ lý 5.160 vụ việc, giải quyết 4.754 vụ việc, đạt tỉ lệ hơn 92%. Trong đó, thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 4.478 vụ việc và thụ lý, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm 276 vụ việc.

Trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, tòa án đã thực hiện tốt việc hướng dẫn đương sự cung cấp chứng cứ, tài liệu. Cạnh đó, chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tòa án cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc; làm tốt công tác hòa giải, đảm bảo các vụ việc được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên đương sự.

Công tác xét xử án hình sự ở Hậu Giang đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Công tác xét xử án hình sự ở Hậu Giang đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Theo đánh giá, năm 2022, số lượng vụ việc tòa án hai cấp ở Hậu Giang phải thụ lý, giải quyết tăng cao so với năm 2021. Tính chất các loại vụ việc ngày càng phức tạp hơn, trong khi đó số biên chế thiếu so với biên chế TAND tối cao giao. Thế nhưng tòa hai cấp đã chủ động, không ngừng nỗ lực, tổ chức xét xử kịp thời, từ đó đã giải quyết được 5.463/5.877 vụ việc, đạt tỷ lệ gần 93%.

“Công tác xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc xét xử thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo tình hình an ninh, chính trị tại đại phương” - báo cáo của TAND tỉnh Hậu Giang nêu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xét xử trong năm 2022 vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: vẫn còn một số vụ việc giải quyết còn chậm theo qui định, nhất là các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Việc gửi, cấp, tống đạt các văn bản tố tụng tuy đã được khắc phục nhưng vẫn có một số trường hợp còn thực hiện chậm.

Một vài trường hợp, TAND cấp huyện xử lý đơn khởi kiện đầu vào còn chậm, do thu thập chứng cứ, ủy thác tư pháp mất nhiều thời gian; đương sự nộp không đầy đủ hoặc chậm bổ sung chứng cứ…

TAND hai cấp ở Hậu Giang hiện có 190 Hội thẩm nhân dân, trong đó, có 27 người là cán bộ nghỉ hưu và 163 người đương chức.

Về trình độ học vấn, có 20 Hội thẩm có trình độ Thạc sĩ, 163 Hội thẩm có trình độ Đại học và bảy Hội thẩm có trình độ từ THPT trở lên.

Số Hội thẩm có chuyên môn pháp lý là 51 người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm