Chiều 19-10, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.
Theo báo cáo, Tỉnh ủy Hậu Giang xác định việc nâng cao nguồn nhân lực là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược trong công tác cán bộ, có vai trò quan trọng, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tiếp tục chú trọng cụ thể hóa 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ảnh: DUY KHƯƠNG |
Trong đó Hậu Giang đã ban hành nhiều văn bản mang tính định hướng lớn, như: Nghị quyết số 05 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 01 về nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025; Đề án số 04 về thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang...
Về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh để thành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, giảm một Đảng bộ trực thuộc và giảm năm đơn vị cấp phòng và tương đương.
Tỉnh cũng sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy đã giảm 27 đơn vị cấp phòng.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện bảy mô hình kiêm nhiệm chức danh: Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện; Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện; Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra cấp huyện...
Đối với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính cấp tỉnh: HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức của 19/19 Sở, ban, ngành tỉnh, qua đó đã giảm được 45 đơn vị cấp phòng, giảm ba Chi cục trực thuộc Sở và 57 phòng trực thuộc Chi cục.
Về sắp xếp tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính cấp huyện, Hậu Giang đã giải thể Phòng Dân tộc và Phòng Y tế, giao chức năng, nhiệm vụ các phòng này về Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, qua đó đã giảm 13 đơn vị cấp phòng.
Đối với các kiến nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang, bà Trương Thị Mai cho hay Ban Tổ chức Trung ương sẽ xem xét để tạo điều kiện cho tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, thực hiện tốt các yêu cầu phát triển đã đề ra. Ảnh: DUY KHƯƠNG |
Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Hậu Giang kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương cho phép Hậu Giang được tổ chức tuyển dụng vào biên chế 74 trường hợp trong chỉ tiêu biên chế chờ thi tuyển vào công chức của cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, nhưng do dịch COVID–19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 nên chưa tuyển dụng.
Dự kiến cán bộ công chức tinh giản 8-10%; viên chức tinh giản 15-20%.
Cạnh đó, để tạo nguồn cán bộ trẻ, có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Tỉnh ủy Hậu Giang kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương chấp thuận chủ trương cho phép tỉnh được tinh giản biên chế cao hơn tỷ lệ theo quy định của giai đoạn 2022-2026. Đồng thời, được tuyển dụng mới số biên chế thay thế số tinh giản vượt chỉ tiêu Trung ương quy định để bổ sung nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao vào cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tiếp tục chú trọng cụ thể hóa 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong đó, việc cụ thể hóa phải phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đưa nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống.
Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị Hậu Giang cần quan tâm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo nền tảng để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vượt bậc hơn nữa. Trong đó, Hậu Giang cần xác định rõ các tiềm năng, lợi thế hiện có để tận dụng, khai thác hiệu quả. Cạnh đó, tiếp tục liên kết với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong phát triển.
Đối với các kiến nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang, bà Trương Thị Mai cho hay Ban Tổ chức Trung ương sẽ xem xét để tạo điều kiện cho tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, thực hiện tốt các yêu cầu phát triển đã đề ra.