Hậu trường đàm phán thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas: Kịch tính đến phút chót

(PLO)- Để đạt được thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày và trao trả con tin, Israel, Hamas và các bên liên quan đã trải qua các cuộc đàm phán bí mật đầy thử thách và cam go.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 7 tuần giao tranh ác liệt giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine), hai bên cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên kéo dài 4 ngày và kèm theo đó là việc trao đổi con tin.

Theo giới quan sát, thỏa thuận ngừng bắn này đánh dấu bước đột phá ngoại giao đầu tiên giữa các bên trong xung đột Israel-Hamas. Thỏa thuận ngừng bắn cũng giúp củng cố kênh liên lạc hiếm hoi giữa các bên tham chiến, làm dấy lên hy vọng rằng các cuộc đàm phán tiếp theo có thể đảm bảo việc thả các con tin khác bị Hamas bắt sang Dải Gaza hôm 7-10.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ và một số nước Trung Đông tham gia cuộc đàm phán nhận định rằng để đi đến thỏa thuận ngừng bắn này, Israel, Hamas và các bên liên quan đã phải trải qua những cuộc đàm phán vô cùng cam go, khó khăn. Thậm chí tới khi thoả thuận ngừng bắn thành hình và được ký kết, một quan chức Mỹ vẫn nói rằng thỏa thuận này sẽ không là gì cho đến khi nó được thực hiện.

Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas
Một đoàn xe cứu thương tiến về phía bắc Gaza trong ngày đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn (ngày 24-11). Ảnh: REUTERS

Bối cảnh đàm phán thỏa thuận ngừng bắn

Cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn diễn ra trong bối cảnh Israel mở chiến dịch đổ bộ sâu rộng vào phía bắc Gaza - một sự leo thang mà các quan chức Israel cho rằng đã gây áp lực lên Hamas để thả con tin. Các quan chức Mỹ, các nhà đàm phán Qatar và Ai Cập lo ngại rằng các cuộc đụng độ tại bệnh viện Al-Shifa và các khu vực khác của TP Gaza sẽ khiến các cuộc đàm phán thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ.

Những nội dung cơ bản của thỏa thuận ngừng bắn, gồm việc trao đổi con tin và viện trợ vào Gaza, được các nhà đàm phán đề xuất từ nhiều tuần trước nhưng các cuộc đàm phán không tiến triển khi xung đột tiếp tục leo thang.

Hamas từng đe dọa sẽ rút lui khỏi cuộc đàm phán thỏa thuận ngừng bắn. Cả hai bên bất đồng về số lượng con tin và tù nhân sẽ được thả, trong khi Israel từ chối yêu cầu của nhóm Hamas về việc tạm dừng giao tranh.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu chịu nhiều áp lực trong nước về vấn đề con tin. Gia đình các con tin tổ chức một cuộc tuần hành kéo dài 5 ngày từ Tel Aviv đến Jerusalem và gặp các thành viên nội các thời chiến của Israel vì lo ngại chiến dịch quân sự sẽ khiến tính mạng của các con tin gặp nguy hiểm hơn.

Hamas từng đe dọa rằng sẽ xử tử các con tin ở Gaza trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột. Những con tin này cũng có nguy cơ bị thương vong trong các vụ ném bom của Israel vào Gaza.

Ông Gershon Baskin - một nhà đàm phán người Israel nói rằng áp lực từ gia đình các con tin và từ bên trong nội các đã thuyết phục ông Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn.

Chặng đường đàm phán cam go

Trong những ngày đầu của cuộc xung đột Israel-Hamas, các quan chức hàng đầu của Mỹ, Qatar, Ai Cập, Israel và Hamas bắt đầu tổ chức các cuộc đàm phán bí mật như là một phần của một nhóm đàm phán con tin đặc biệt. Theo một quan chức Mỹ, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan chỉ đạo cố vấn pháp lý Nhà Trắng Josh Geltzer tham gia thành lập nhóm này tại thủ đô Doha (Qatar).

Nhóm này có nhiệm vụ giải quyết vấn đề đàm phán giữa Israel và Hamas vì hai bên không có kênh liên lạc trực tiếp. Thành công đầu tiên của nhóm này là việc Hamas thả hai công dân Mỹ vào ngày 20-10. Một quan chức Mỹ nhận định thành công này đóng vai trò như một trường hợp thí điểm cho các lần thả con tin trong tương lai.

thoa-thuan-ngung-ban.jpeg
Các tù nhân Palestine đoàn tụ thân nhân sau khi được Israel thả hôm 24-11 theo thỏa thuận trao đổi con tin với Hamas. Ảnh: ANADOLU

Vào ngày 21-10, Hamas đưa ra một đề xuất nhằm giải phóng số lượng lớn các con tin là phụ nữ và trẻ em nếu Israel hủy kế hoạch đổ bộ Gaza. Các quan chức Mỹ đã liên lạc với Israel để hỏi liệu nước này có hoãn chiến dịch đổ bộ hay không nhưng Tel Aviv từ chối, nói rằng Hamas không cung cấp danh sách con tin cũng như chứng minh về sự sống của các con tin.

Hai ngày sau, Thủ tướng Qatar - ông Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman al-Thani đề xuất với ông Brett McGurk - cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Đông về việc Hamas có thể thả một nhóm con tin gồm phụ nữ và trẻ em để đổi lấy các tù nhân Palestine cũng như thêm viện trợ và nhiên liệu vào Gaza.

Với "sự chấp thuận” từ Washington, các nhà đàm phán Qatar và Ai Cập đã gặp quan chức Hamas để bàn về đề xuất trên nhưng với điều kiện nhóm này phải cung cấp danh sách thông tin các con tin. Lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza - ông Yahya Sinwar nói với phía Ai Cập rằng ​​ông sẽ đảm bảo thả 50 phụ nữ và trẻ em nhưng ông không có đầy đủ danh sách thông tin các con tin.

Vài giờ sau đó, Hamas công bố thông tin danh sách 10 con tin. Ngay lập tức, Mỹ nói thông tin của 10 con tin là không đủ, trong khi Israel nhấn mạnh rằng cuộc đổ bộ Gaza sắp xảy ra sẽ gây áp lực buộc Hamas phải nhượng bộ và thực hiện các cuộc đàm phán nghiêm túc hơn.

Cuộc đổ bộ của Israel vào Dải Gaza bắt đầu vào ngày 27-10. Ông Sinwar cắt đứt liên lạc với các nhà đàm phán Ai Cập. Ông Mohammed Al-Khulaifi, nhà đàm phán người Qatar, cho biết những diễn biến trên chiến trường khiến việc đàm phán vô cùng khó khăn.

Các cuộc đàm phán tiếp tục vài ngày sau đó, với việc các quan chức tình báo Ai Cập cố gắng thuyết phục Hamas cung cấp danh sách thông tin 50 con tin.

Thế nhưng vào ngày 31-10 cuộc đàm phán rơi vào bế tắc khi Ai Cập, Qatar và Hamas rút ra nhằm phản đối cuộc không kích của Israel nhắm vào một lãnh đạo Hamas ở Jabalia, phía bắc Gaza, khiến hơn 100 thường dân Palestine thiệt mạng.

Trước tình thế này, vào ngày 9-11 Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) Bill Burns và Giám đốc Cơ quan tình báo Israel (Mossad) - ông David Barnea đã tới Doha để thu thập thêm thông tin về các con tin và bàn việc gây thêm áp lực lên Hamas. Các quan chức đã soạn ra một bản dự thảo sơ bộ của thỏa thuận.

Sáng 12-11, Hamas cung cấp thêm tên các con tin sẽ được thả. Tuy nhiên, việc lực lượng Israel bao vây bệnh viện Al-Shifa khiến giới lãnh đạo Hamas cắt đứt liên lạc với các nhà đàm phán. Ông Sinwar gửi thông điệp với Ai Cập rằng Hamas sẽ hủy bỏ hoàn toàn các cuộc đàm phán nếu Israel không ngừng chiến dịch quân sự ở bệnh viện Al-Shifa.

Cùng ngày, Tổng thống Biden điện đàm Tiểu vương Qatar - ông Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, nhấn mạnh rằng việc thiếu thông tin về các con tin đang là yếu tố cản trở cuộc đàm phán, theo một trợ lý của ông Biden.

Tổng thống Biden làm rõ rằng thông tin 50 con tin phải gồm tuổi, giới tính và quốc tịch, nếu thiếu một trong những thông tin trên thì đàm phán sẽ thất bại. Đáp lại, Tiểu vương Qatar khẳng định ông sẽ nỗ lực thuyết phục Hamas cung cấp thông tin các con tin.

Các cuộc đàm phán nối lại ngày 16-11 và các nhà đàm phán đã có thông tin chi tiết về 50 con tin Hamas dự định sẽ thả.

Kịch tính đến phút chót

Cuộc đàm phán con tin bí mật kéo dài nhiều tuần với Hama đi đến hồi kết khi Tổng thống Biden điện đàm Tiểu vương Qatar hôm 17-11, cảnh báo đây có thể là cơ hội cuối cùng để thực hiện thỏa thuận. Tổng thống Mỹ cho biết cả hai bên đã có những nhượng bộ trong các cuộc đàm phán và giờ là lúc để hoàn thành thỏa thuận.

Mỹ-Israel.jpeg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Tel Aviv (Israel) hôm 18-10. Ảnh: REUTERS

Các quan chức Qatar đồng ý sẽ thúc đẩy Hamas và đề nghị ông Biden giúp gây áp lực buộc Israel phải chấp nhận thỏa thuận. Những ngày tiếp theo, ông McGurk tới Doha để thảo luận các chi tiết của thỏa thuận được soạn thảo thành tài liệu dự thảo dài 6 trang. Ông cũng tới thủ đô Cairo (Ai Cập) để thảo luận về tài liệu này.

Hamas đồng ý hầu hết nội dung trong tài liệu dự thảo, chỉ trừ thời gian tạm dừng giao tranh và tỉ lệ trao trả con tin đổi lấy tù nhân Palestine. Hamas cũng yêu cầu Israel tạm dừng các hoạt động giám sát bằng máy bay không người lái (UAV) ở Dải Gaza.

Ông Biden đã thảo luận với ông Netanyahu về các vấn đề này. Ban đầu, Israel phản đối yêu cầu ngừng giám sát bằng UAV nhưng sau đó đã đồng ý.

Đến ngày 21-11, Hamas công khai chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Chính phủ Israel phê duyệt thỏa thuận vào một ngày sau đó.

Tuy nhiên, đến tối 22-11, Cố vấn an ninh quốc gia Israel - ông Tzachi Hanegbi bất ngờ thông báo thỏa thuận sẽ bị trì hoãn ít nhất một ngày. Một vấn đề đã xuất hiện.

Theo các nhà đàm phán, Hamas yêu cầu Israel cung cấp danh sách nhóm tù nhân Palestine đầu tiên được trả tự do để thông báo cho gia đình họ. Khi Israel từ chối yêu cầu này, Hamas cũng từ chối cung cấp cho Israel danh sách con tin nhóm này dự kiến sẽ thả vào ngày đầu tiên của thỏa thuận.

Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng thỏa thuận này vẫn còn mong manh. Đến tối 23-11, các nhà đàm phán vẫn còn thảo luận các chi tiết cụ thể, chẳng hạn như lộ trình mà các con tin sẽ đi vào Israel.

Cuối ngày 23-11, các nhà đàm phán Qatar cho biết thỏa thuận ngừng bắn đã được khôi phục và bắt đầu từ 7 giờ ngày 24-11 và việc thả những con tin đầu tiên sẽ thực hiện vào 16 giờ cùng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm