Hàng ngàn tài liệu liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ngày 22-11-1963 ở TP Dallas, bang Texas (Mỹ) vừa được Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ công bố đêm 26-10.
88% trong số tài liệu này liên quan đến vụ ám sát. Số tài liệu này được công bố theo luật giải mật năm 1992 của Mỹ - vốn yêu cầu chính phủ Mỹ công khai toàn bộ tài liệu còn lại liên quan đến vụ ám sát trong vòng 25 năm, trừ trường hợp tài liệu đe dọa đến an ninh quốc gia.
Giải mật hàng ngàn nhưng vẫn giữ lại hàng trăm tài liệu
Số 2.800 tài liệu này chưa phải là tất cả, vẫn còn hàng trăm tài liệu bị Nhà Trắng lệnh giữ lại theo yêu cầu của FBI và CIA với lý do vì lo ngại ảnh hưởng an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Tờ Washington Post dẫn nguồn một số quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết nhiều cơ quan chính phủ đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump phong tỏa một số. Những tài liệu chưa giải mật sẽ được rà soát lại trong vòng 180 ngày tới. Những tài liệu nào cảm thấy không cần thiết giữ lại sẽ được giải mật và công bố vào ngày 25-4-2018.
Phần lớn tài liệu được giải mật đợt này là báo cáo điều tra của các cơ quan CIA, FBI, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Mỹ. Washington Post cho biết ngay trong đêm 26-10, hàng chục PV, biên tập viên của báo đã bỏ công đọc các tài liệu. Và đây là một số điểm nổi bật, ngoài các thông tin mới cũng có một số đã được đề cập trước đó.
Người dân đọc báo về cái chết của Tổng thống Kennedy. Ảnh: AP
Jack Ruby (cầm súng) bắn hung thủ Lee Harvey Oswald (giữa, không đội mũ) ngay tại đồn cảnh sát Dallas ngày 24-11-1963. Ảnh: AFP
Một tài liệu của FBI ghi ngày 24-11-1963 cho thấy FBI đã nhận được đe dọa giết hung thủ Lee Harvey Oswald một ngày trước khi Oswald bị Jack Ruby - chủ một hộp đêm ở Dallas bắn chết. Cụ thể, hai ngày sau vụ ám sát, Giám đốc FBI khi đó là Edgar Hoover cho biết văn phòng FBI ở Dallas nhận được một cuộc gọi từ một người đàn ông xưng là thành viên một ủy ban có nhiệm vụ giết Oswald. Ông Hoover cho biết đã đề nghị cảnh sát Dallas tăng cường bảo vệ nhưng cuối cùng Oswald vẫn bị Ruby bắn chết. Bản thân Ruby khẳng định mình không phải là người gọi điện thoại.
Một thông báo nội bộ của CIA trong ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát cho thấy CIA trước đó từng bắt được một cuộc gọi của Oswald đến cơ quan an ninh của Liên Xô (KGB). Lúc đó Oswald đang ở Mexico, điểm nhận cuộc điện thoại của Oswald là Đại sứ quán Liên Xô tại đây. CIA tin Oswald muốn xin hộ chiếu hay visa sang Liên Xô. Một tài liệu của FBI năm 1963 cho thấy Giám đốc FBI Hoover từng chuyển một thông báo nội bộ cho Nhà Trắng về phản ứng của Liên Xô về vụ ám sát Tổng thống Kennedy, nhận định đây không phải là hành động riêng lẻ mà là một “âm mưu có tổ chức”. Liên Xô tin hành vi ám sát này là hành động “cực hữu”, một cuộc “đảo chính”. Phía Liên Xô rất sốc trước tin ám sát, lo lắng tình trạng khuyết lãnh đạo của Mỹ, ngay lập tức chỉ đạo thu thập thông tin về người kế nhiệm Lyndon B. Johnson.
Theo một tài liệu của FBI ngày 23-11-1963, một ngày sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, trong ngày này một người đàn ông tên Henry Gourley ở Canada đã gọi báo cảnh sát Washington (Mỹ) rằng mình có nghe bàn tán về chuyện ám sát trước khi nó xảy ra. Ông Gourley cho biết khi uống rượu trong một khách sạn ở Mỹ có nghe ba người đàn ông nói rằng Tổng thống Kennedy một khi đến Dallas “sẽ không bao giờ sống sót rời khỏi đó”. Ba người này chuẩn bị đến Cuba và ông Gourley tin rằng Oswald là một trong số họ.
Những ẩn số chưa có lời giải
Có vô số thuyết âm mưu quanh vụ ám sát Tổng thống Kennedy, lớn nhất là nghi ngờ không biết liệu có phải Oswald hành động một mình. Sau khi kế nhiệm ông Kennedy, Tổng thống Lyndon Johnson đã lập ủy ban đặc biệt điều tra, đi đến kết luận năm 1964 rằng Oswald hành động đơn lẻ.
Tuy nhiên, một thăm dò năm 2013 của hãng thăm dò Gallup cho thấy chỉ 30% dân Mỹ tin vào kết luận này. Trong đợt công bố tài liệu lần này, nhiều tài liệu chứa thông tin tình báo chưa được chứng thực. Trong khi đó, theo ông Patrick Maney, sử gia về các đời tổng thống tại ĐH Boston (Mỹ), chừng nào chính phủ Mỹ còn giữ lại các tài liệu như hiện tại thì các nghi ngờ, đồn đoán vẫn chưa thể được xóa tan.
Một tài liệu của CIA từ năm 1975 nêu chi tiết vai trò của CIA trong các vụ ám sát nước ngoài, rằng CIA đã có kế hoạch ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro ngay từ đầu nhiệm kỳ Kennedy. Theo tài liệu này, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông Robert Kennedy, em trai Tổng thống Kennedy, nói với FBI rằng ông nghe tin CIA thuê một người trung gian “tiếp cận trùm mafia Sam Giancana, gợi ý đưa 150.000 USD thuê một tay súng sang Cuba”. Cũng theo tài liệu này, CIA sau đó còn sử dụng mafia để thực hiện âm mưu hạ độc nhà lãnh đạo Cuba, theo tờ Washington Post. ______________________________ 2.891 tài liệu về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy được Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ công bố trên trang web tối 26-10. Vẫn còn khoảng 300 tài liệu được giữ lại theo lệnh của Tổng thống Trump. |