Một số bản tin từ Triều Tiên gần đây viết về một tàu ngầm mới và việc Triều Tiên thử một tên lửa đạn đạo được thiết kế phóng từ tàu ngầm. Theo báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các thông tin này củng cố thêm đồn đoán rằng một tàu ngầm có thể là “vũ khí chiến lược mới” mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề cập tới trong thông điệp năm mới ông phát biểu ngày 31-12-2019.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu thông điệp mừng năm mới 2020 vào ngày 31-12-2019. Ảnh: YONHAP/KCNA
Trong thông điệp năm mới, ông Kim tuyên bố Triều Tiên sẽ phát triển thêm một sức mạnh ngăn chặn hạt nhân. Một “vũ khí bí mật” có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến chở nhiều đầu đạn hạt nhân, bom nguyên tử có sức công phá lớn hơn. Tuy nhiên, SCMP khoanh vùng “vũ khí bí mật” này là tàu ngầm với căn cứ Triều Tiên từng công khai nói nước này đang có “những nỗ lực lớn” để mở rộng hạm đội tàu ngầm có trang bị tên lửa.
Nước có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới
Hồi tháng 7, Triều Tiên công bố một số hình ảnh ông Kim đi thị sát một con tàu lớn đang trong quá trình chế tạo.
Theo nhà phân tích Joseph Dempsey tại Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (Anh), từ các hình ảnh có thể thấy một phiên bản sửa đổi của tàu ngầm điện hạt nhân lớp Romeo có số lượng chiếm 1/3 hạm đội hải quân Triều Tiên.
Triều Tiên mua 7 tàu ngầm lớp Romeo từ Trung Quốc từ giữa thập niên 1970 và bắt đầu sản xuất nội địa cho tới năm 1995, theo tổ chức Sáng kiến đối phó đe dọa hạt nhân (Mỹ).
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một tàu ngầm điện hạt nhân lớp Romeo của Triều Tiên. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Phiên bản mới này có vẻ có phần buồm - phần cao nhất của tàu - dài hơn, mà theo ông Dempsey là nhằm có chỗ thiết kế cho khoảng 3 ống phóng tên lửa.
Theo SCMP, Triều Tiên được biết đang trong quá trình chế tạo một tàu ngầm nữa, tiên tiến hơn mà các chuyên gia vũ khí gọi là Sinpo C. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhà phân tích vẫn chưa thể xác nhận sự tồn tại của tàu này, dựa vào các nguồn công khai như tin tức truyền thông nhà nước Triều Tiên hay các hình ảnh vệ tinh.
Thiết kế sửa đổi tàu ngầm lớp Romeo cho thấy Triều Tiên xoay xở tận dụng phù hợp các nguyên vật liệu hạn chế mình có vì vướng các lệnh trừng phạt khắt khe của quốc tế. Và đây là một phần chiến lược của Triều Tiên trong đua tranh với lợi thế quân sự của các đối thủ giàu hơn nhiều như Hàn Quốc và Mỹ. Triều Tiên được biết là nước có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, hơn cả Mỹ.
Mỹ - Hàn Quốc - Nhật không thể xem thường
Tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẽ là sự minh họa rõ nhất cho nỗ lực phát triển vũ khí của Triều Tiên, dù hồi tháng 6-2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump có nói Triều Tiên không còn là một đe dọa hạt nhân.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong lần gặp nhau tại khu phi quân sự liên Triều tháng 6-2019. Ảnh: REUTERS
Trước khi đồng ý với Mỹ sẽ “làm việc tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn”, Triều Tiên đã cho thấy khả năng phát triển bom hydrogen và tên lửa có khả năng mang bom này đến bất kỳ TP nào ở Mỹ.
Một loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn nửa cuối năm ngoái cho thấy Triều Tiên đã có tiến triển trong việc phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có khả năng giấu mình tốt hơn, triển khai nhanh hơn, khó bị đánh chặn hơn. Trong số các tên lửa đã thử, có một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có tầm bắn 910 km.
Các vũ khí này của Triều Tiên có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật, có tổng cộng 170 triệu dân, chưa kể 80.000 quân Mỹ, vào tầm ngắm của một tàu ngầm được triển khai đâu đó ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Tàu ngầm này có thể len lỏi ẩn mình giữa các tàu khác thuộc hạm đội khoảng từ 60 đến 80 tàu ngầm nhỏ hơn của Triều Tiên. Liên minh Mỹ - Hàn Quốc - Nhật sẽ khó mà biết được trong số này tàu nào có mang vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên đã gửi thông điệp rõ ràng rằng mình sẵn sàng xung đột với Nhật. Trong một bản tin trên truyền thông nhà nước ngày 4-2, Triều Tiên cảnh cáo Nhật sẽ “rơi xuống vực sâu đổ nát” nếu cố thể hiện sức mạnh quân sự.
“Vũ khí chiến lược mới” - tàu ngầm có ý nghĩa gì?
Theo sách trắng của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, phần lớn các tàu ngầm của Triều Tiên kích cỡ nhỏ, “được thiết kế nhằm cản trở các tuyến đường biển, đặt mìn, tấn công các tàu chiến nổi, và hỗ trợ sự xâm nhập của các đơn vị đặc nhiệm”. Hàn Quốc cáo buộc một trong những tàu ngầm của Triều Tiên đã bắn ngư lôi đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của mình năm 2010, làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên bác bỏ cáo buộc này.
Triều Tiên là nước có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới. NATIONAL POST.COM
Theo SCMP, dù chưa thể có khả năng len lỏi xa mà không bị phát hiện nhưng một tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân có thể là đủ cho những gì Triều Tiên và ông Kim cần thời điểm này. Giá trị thật sự của một tàu ngầm có vũ khí hạt nhân có thể là nằm ở khả năng củng cố vị thế của ông Kim trong đàm phán với Mỹ. Bất kỳ điều gì cản trở Mỹ nghĩ về khả năng chiến tranh thật sự với Triều Tiên đều giúp nước này đến gần hơn với mục tiêu: Được quốc tế công nhận là một quốc gia hạt nhân.
Bên cạnh đó, SCMP nhận định: Với các nhà hoạch định kế hoạch quân đội Mỹ, có một tàu ngầm ở bán đảo Triều Tiên sẽ là một đe dọa mới nguy hiểm trong trường hợp có xung đột.
“Trong trường hợp lên kế hoạch chiến tranh, các nước Mỹ - Hàn Quốc - Nhật cần đánh giá nghiêm túc đe dọa hạt nhân dưới biển và có kế hoạch khẩn cấp chiến tranh chống tàu ngầm” - theo nhà nghiên cứu Ankit Panda tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.
Thậm chí, ông Panda còn hình dung đến viễn cảnh một tàu ngầm Triều Tiên có trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tiến vào Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Phó Đô đốc Jon Hill, Giám đốc Cơ quan Phòng vệ Tên lửa Mỹ, tự tin liên minh có khả năng đối phó một tàu ngầm trang bị hạt nhân của Triều Tiên. Ông Hill lên tiếng sau vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên cuối năm ngoái.