Tràn lan nước uống không đủ chất lượng
Nhìn bề ngoài khó ai nhận biết đâu là nước sạch đâu là nước bẩn, chính vì vậy những cơ sở sản xuất nước uống đóng chai bắt nguồn từ những hộ gia đình cũng ngày càng nhiều, những cơ sở sản xuất không được cấp phép cũng được mọc ra. Đa phần những cơ sở này đều sản xuất ra những loại nước kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những cơ sở sản xuất nước uống kém chất lượng. Ảnh: Internet
Ở một cơ sở sản xuất nước ở Tân Phú giá bán một bình nước 20 lít chỉ khoảng 7.000-10.000 đồng. Trong khi đó một số hãng nước có uy tín lại bán giá 35.000-60.000 đồng/bình 19 lít. Sự chênh lệch giá quá lớn như thế phần nào cũng có thể đánh giá chất lượng của sản phẩm. Một số cơ sở sản xuất nước uống từ những hộ gia đình còn có khi không có nhãn mác hoặc bình bị trầy xước.
Chị Lê Thị Phượng, người tiêu dùng ở Tân Phú, cho biết: “Thời gian trước tôi thường gọi nước uống đóng bình để về nấu ăn và uống nhưng thời gian gần đây trên thị trường quá nhiều loại nước bẩn nên tôi dùng nước ở nhà, sau đó nấu lên để uống”.
Nguy hại cho người sử dụng
Để xác định nước có nhiễm bẩn hay không, thường dựa trên các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và độc chất - kim loại nặng. Dựa vào những chỉ tiêu trên để có thể đánh giá nước có đạt chất lượng và đạt vệ sinh hay không. Các chỉ tiêu lý hóa thông thường như màu, độ dẫn, kiềm Mg, Ca…, chỉ tiêu kim loại nặng hoặc chỉ tiêu vi sinh như E. Coli, Clostridium perfringens,… nếu những chỉ tiêu này vượt mức cho phép sẽ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Những loại nước giếng khoan không được đưa qua hệ thống xử lý kỹ có thể xuất hiện vi khuẩn E. Coli viêm đường ruột hoặc tiêu chảy cho người sử dụng... Một số kim loại nặng như thủy ngân, chì nếu tích lũy lâu dài sẽ dễ dẫn đến ung thư. Những loại chai nhựa, bình nhựa kém chất lượng khi đựng nước cũng sẽ rất gây hại.
Việc xử lý và quy định sản xuất nước uống
Theo số liệu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, thời gian gần đây xử lý khá nhiều những cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai. Những cơ sở này thường vi phạm những lỗi như không có đủ trang thiết bị, dụng cụ phù hợp theo quy định để xử lý nguyên liệu, bảo quản thực phẩm, sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn, sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe đã quá thời hạn… Theo đó, mức xử phạt có nhiều khung khác nhau, có trường hợp mức xử phạt lên đến 20 triệu đồng dành cho các cơ sở vi phạm.
Cơ quan chức năng bắt nhiều cơ sở sản xuất nước uống không đủ tiêu chuẩn. Ảnh: Internet
Theo Điều 12 Nghị định 67/2016 của Chính phủ quy định, điều kiện với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai: Có hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, khu vực chiết rót sản phẩm phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí. Nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ dùng trong quá trình sản xuất phải được làm vệ sinh và tiệt trùng thường xuyên, phải bố trí khu vực rửa và tiệt trùng chai, bình đựng sản phẩm... Đặc biệt là các loại nắp chai và chai nhựa chứa đựng nước khoáng thiên nhiên có dung tích dưới 10 lít không được sử dụng lại...