Theo cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA), vào ngày 31-1 này sẽ diễn ra hiện tượng siêu trăng lần thứ 2 trong năm (Lần đầu vào ngày 1-1). Lúc này, mặt trăng sẽ ở khoảng cách gần Trái đất nhất (khoảng 356.565 km), khiến nó có cảm giác to hơn trăng tròn bình thường khoảng 7%, và sáng hơn 30%.
Đồng thời, mặt trăng tròn xuất hiện lần thứ hai trong tháng cũng được gọi là hiện tượng trăng xanh, theo cách gọi của phương Tây.
Chúng ta sắp được chiêm ngưỡng bộ 3 hiện tượng thiên văn mà 150 năm mới có một lần. Ảnh: Foreverconcious
Chưa hết, hiện tượng trăng tròn lần này lại diễn ra cùng lúc với nguyệt thực toàn phần. Mặt trăng lúc đó sẽ bị che khuất, chỉ còn ánh sáng mờ do Mặt trời chiếu qua khí quyển Trái đất, khiến cho mặt trăng có màu đỏ và được gọi là hiện tượng "Mặt trăng máu".
Vậy là chỉ trong một ngày 31-1, chúng ta sẽ cùng lúc đón nhận 3 hiện tượng siêu trăng, trăng xanh và trăng máu. Theo các nhà thiên văn học, hiện tượng kỳ thú này thường chỉ xuất hiện 150 năm một lần.
Cũng theo các nhà thiên văn học, hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu từ 6 giờ 48 phút ngày 31.1 (theo giờ quốc tế) và đạt đỉnh vào lúc 8 giờ 30 phút. Người dân ở Đông Á, Thái Bình Dương và Tây Bắc Mỹ có thể quan sát tốt hiện tượng này, còn những người ở khu vực Đông Bắc Mỹ và châu Âu chỉ xem được nguyệt thực một phần.
Như vậy, Việt Nam nằm trong khu vực có thể theo dõi trọn vẹn hiện tượng này với tổng thời gian (tính cả pha nửa tối) gần 5 giờ 20 phút. Thời gian cực đại của pha toàn phần rơi vào thời điểm 20 giờ 31 phút.
Bất cứ nơi nào ở Việt Nam cũng có thể quan sát hiện tượng này, nếu như thời tiết thuận lợi. Thêm vào đó, hiện tượng nguyệt thực có thể quan sát bằng mắt thường, và hoàn toàn không có hại cho mắt.