Ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường luôn là điều kiện bắt buộc phải có bất kể đó chỉ là việc làm nhỏ hay một dự án lớn. Trong lĩnh vực xây dựng, một công trình hoàn hảo cần đặt tiêu chí chống ô nhiễm lên hàng đầu. Đó là điều kiện hàng đầu để phát triển bền vững. Khoa học phát triển, nhiều phát minh mới được sáng chế nhằm bảo tồn, hạn chế lãng phí tài nguyên.
Ưu điểm nổi trội của gạch không nung
Khi sản xuất gạch đất sét, chúng ta phải dùng nguồn đất khai thác từ sét, đất ruộng, phù sa… Đó là nguồn tài nguyên rất quý hiếm. Tuy nhiên, chúng đang dần rơi vào tình trạng cạn kiệt và chắc chắn sẽ không còn nhiều trong tương lai. Lượng đất sét này có thể dùng để sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn, mang lại giá trị kinh tế cao. Mặt khác, việc nung gạch đỏ trong quá trình sản xuất sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Bởi các lò gạch thường xả khói bụi làm thiệt hại đến mùa màng trong vùng và khu vực lân cận.
Sử dụng chất liệu thân thiện môi trường ngày càng được chú ý nhiều hơn trong xây dựng. Ảnh: NGỌC CHÂU
Loại vật liệu gạch không nung (GKN) sử dụng các nguồn chính trong tự nhiên như đá, cát, vôi, thạch cao, xi măng bột nhôm... Các loại nguyên vật liệu này có mặt ở khắp nơi, việc khai thác và sử dụng chúng không gây tác động đến môi trường tự nhiên. Vì vậy, nó đạt được hiệu quả cao trong việc bảo vệ môi trường. Trong suốt quá trình sản xuất GKN đều không sản sinh ra chất gây ô nhiễm, không tạo ra chất phế thải hoặc chất thải độc hại. Năng lượng tiêu thụ để làm gạch chỉ chiếm một phần nhỏ so với quá trình làm ra các vật liệu khác. GKN giúp bảo vệ ngôi nhà với tính năng làm giảm sự tác động của môi trường bên ngoài, giúp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, một trong những ưu điểm lớn là hạn chế khả năng tác động của nhiệt độ bên ngoài, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng bên trong nhà.
Ưu điểm của GKN là có độ cứng cao, bảo ôn, cách nhiệt tốt, phòng hỏa, chống thấm, chống nước. Ngoài ra, kích thước, quy cách gạch chuẩn xác có thể thay thế các loại vật liệu cách nhiệt, giúp nâng cao hiệu quả kiến trúc, giảm thiểu được kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công. Đặc biệt, sự phong phú về chủng loại phù hợp với những công trình phụ trợ nhỏ đến các công trình kiến trúc cao tầng. Ngoài ra, vật liệu này còn giúp giảm chi phí cho nhà đầu tư.
Mục tiêu phát triển bền vững
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Nội dung chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội, tận dụng tối đa nguồn phế thải các ngành công nghiệp khác; phát triển các cơ sở sản xuất với quy mô công suất hợp lý, công nghệ tiên tiến; từng bước nội địa hóa việc chế tạo thiết bị cho dây chuyền sản xuất vật liệu không nung. Ưu điểm của chúng là giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp. Chương trình được xây dựng hướng tới mục tiêu chung là phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất công nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Theo kế hoạch, đến năm 2015, việc phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu không nung đạt tỉ lệ 20%-25% và 30%-40% vào năm 2020. Theo đó, mỗi năm có khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp như tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao… dùng vào sản xuất vật liệu xây không nung. Như vậy, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm hecta diện tích đất chứa phế thải. Dựa vào định hướng đề ra, tỉ lệ gạch xi măng - cốt liệu, gạch nhẹ, gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông bọt, các loại gạch khác cần đạt được tỉ lệ cụ thể vào năm 2015 và 2020.
Để thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị kinh doanh được hưởng chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu không nung nhẹ, gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên được hưởng ưu đãi như các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm. Để chương trình đạt thành công tối đa thì cần có sự chung sức cùng thực hiện của các bên. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức về bảo vệ môi trường.
NGỌC CHÂU (Theo Sở TN&MT TP.HCM)